Nhiều người không dung nạp được đường sữa có thể bị đau bụng, tiêu chảy và có quá nhiều khí trong ruột. Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) và các vấn đề tiêu hóa khác nên chọn loại ít đường sữa và không chứa các thành phần gây rối loạn tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash (Australia) đưa ra danh sách những loại sữa dễ tiêu hóa nhất đối với dạ dày.
Sữa không chứa lactose
Những người không dung nạp đường sữa không có đủ enzyme lactase để tiêu hóa đường sữa dễ dàng. Sữa không có đường lactose là một lựa chọn tốt nếu bạn mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) và/hoặc không có tình trạng dung nạp đường lactose và muốn tránh bị co thắt dạ dày và đầy hơi. Sữa không có đường lactose (thường là sữa bò đã được loại bỏ đường lactose) có trong chế độ ăn ít FODMAP cho người mắc bệnh tiêu hóa. FODMAP là các carbohydrate hấp thu kém qua đường ruột, có thể làm cho các triệu chứng tiêu hóa trở nên tồi tệ hơn.
Sữa hạnh nhân
Sữa hạnh nhân từng được coi là thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao. Nhưng theo nghiên cứu tại Đại học Monash, một cốc sữa hạnh nhân được xếp vào nhóm hàm lượng FODMAP thấp. Loại sữa hạt này chứa nhiều vitamin và khoáng chất bao gồm vitamin D, vitamin E, canxi tốt cho sức khỏe. Người bệnh tiêu hóa nên lưu ý khi mua sữa hạnh nhân tại cửa hàng vì có thể chứa thêm chất làm ngọt.
Sữa dừa
Nước cốt dừa được làm từ thịt dừa, chứa nguồn chất xơ tốt và nhiều vitamin, khoáng chất. Sữa dừa chứa nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi tiêu thụ trên 10% lượng calo hàng ngày. Dù vậy, nồng độ axit lauric và chất béo trung tính ở mức trung bình của sữa dừa có thể tốt cho sức khỏe.
Theo Đại học Monash, người bị hội chứng ruột kích thích chỉ nên uống 1/2 cốc nước cốt dừa. Bạn có thể làm sữa dừa, sữa hạnh nhân tại nhà. Nếu bạn tự làm nước cốt dừa, bạn sẽ không phải lo lắng về các thành phần được thêm vào khi chế biến sữa dừa.
Sữa gai dầu
Sữa gai được làm từ hạt gai dầu, là nguồn protein thực vật tốt, có thể dùng cho người ăn chay. Nó có chứa axit béo omega-3 tốt, nhiều loại vitamin và khoáng chất, axit amin thiết yếu cho cơ thể. Các nhà nghiên cứu của Monash đã phát hiện ra rằng một cốc sữa gai dầu có hàm lượng FODMAP thấp. Do đó, người mắc bệnh tiêu hóa có thể uống sữa gai dầu mà không quá lo lắng về các triệu chứng.
Kefir
Kefir (nấm sữa) là thức uống sữa lên men thường được làm từ sữa bò, cừu hoặc dê. Nó cũng có thể được làm từ sữa dừa, sữa gạo và đậu nành; chứa nhiều lợi khuẩn và có vị thơm dễ chịu. Uống kefir có thể giúp phòng tránh các triệu chứng tiêu hóa, cải thiện sức khỏe của đường ruột.
Kefir chưa được thử nghiệm tại Đại học Monash về lượng FODMAP. Tuy nhiên, nhờ quá trình lên men nên nó có ít đường sữa. Người mắc hội chứng ruột kích thích và không dung nạp đường sữa có thể sử dụng kefir thường xuyên.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)