Viêm là một phần phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể nhưng tình trạng này kéo dài và trở thành mạn tính có thể dẫn đến bệnh tim, tiểu đường type 2, ung thư... Ăn uống lành mạnh, trong đó có nhiều loại rau chống viêm là một trong những cách để phòng tránh bệnh.
Rau chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa và phytochemical (hóa chất tự nhiên trong thực vật), có thể giảm viêm mạn tính. Những chất dinh dưỡng này còn chống lại stress oxy hóa và vô hiệu hóa các gốc tự do - hai thủ phạm phổ biến gây viêm.
Ăn rau còn tăng cường sức khỏe đường ruột nhờ hàm lượng chất xơ cao. Hệ vi sinh vật đường ruột cân bằng, đa dạng có thể nâng cao hệ thống miễn dịch và giảm viêm.
Rau bina
Rau bina giàu vitamin A, C và chất chống oxy hóa như quercetin, kaempferol có tác dụng chống viêm. Loại lá xanh này dễ chế biến, có thể kết hợp trong nhiều món ăn như xào, salad hoặc nấu canh. Rau bina có hàm lượng chất xơ cao cũng hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa, kiểm soát cân nặng.
Cải xoăn
Cải xoăn có thể ngăn ngừa viêm ở hệ tiêu hóa và cải thiện sức khỏe đường ruột. Lợi ích này nhờ vào các chất chống oxy hóa, khoáng chất, chất xơ và vitamin A, C, K.
Cải xoăn phù hợp làm món súp, xào và sinh tố. Hàm lượng canxi cao trong loại rau này cũng hỗ trợ sức khỏe xương, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Bông cải xanh
Bông cải xanh cung cấp sulforaphane dồi dào - chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm mạnh mẽ. Bông cải xanh cũng giàu vitamin C, K, chất xơ, có thể giảm viêm nhiễm và cải thiện tình trạng kháng insulin.
Lượng chất xơ trong bông cải xanh còn thúc đẩy cảm giác no, hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy sức khỏe đường ruột.
Ớt chuông
Ớt chuông chứa nhiều vitamin A và C, chất chống oxy hóa có tác dụng giảm viêm, tăng cường miễn dịch, bảo vệ chống lại các bệnh thoái hóa. Loại rau này tạo nên hương vị, độ giòn cho món ăn, có nhiều màu sắc để lựa chọn.
Hàm lượng calo thấp, nhiều nước giúp ớt chuông trở thành món ăn giàu dinh dưỡng mà vẫn kiểm soát cân nặng.
Cà chua
Cà chua giàu lycopene, chất chống oxy hóa có đặc tính chống viêm mạnh. Lycopene cũng hỗ trợ phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt và giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim. Cà chua có thể làm món salad, nước sốt, nấu canh vừa dễ ăn vừa bổ sung dưỡng chất ngừa viêm cho cơ thể. Lượng kali cao giúp điều hòa huyết áp, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Cà rốt
Cà rốt cung cấp beta-carotene dồi dào, loại sắc tố thực vật này được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A khi vào cơ thể.
Vitamin A có đặc tính chống viêm, tăng cường hệ thống miễn dịch. Dù ăn sống trong món salad hay nấu chín trong món hầm, nướng, cà rốt đều mang lại vị ngọt cùng các chất dinh dưỡng chống viêm. Beta-carotene còn thúc đẩy sức khỏe thị lực, giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
Củ dền
Hợp chất trong củ dền là betalain giúp giảm viêm. Chất nitrat còn hỗ trợ tăng cường lưu lượng máu và sức khỏe tim mạch. Củ dền nấu canh, luộc hoặc làm món salad là cách để thưởng thức loại củ có lợi ích chống viêm mạnh mẽ này.
Cần tây
Lượng calo thấp, giàu chất chống oxy hóa cùng các hợp chất chống viêm là lợi ích của cần tây. Với kết cấu giòn và hương vị nhẹ, cần tây là nguyên liệu bổ sung linh hoạt cho món salad, súp và đồ ăn nhẹ. Đặc tính lợi tiểu tự nhiên của cần tây còn giảm đầy hơi và hỗ trợ sức khỏe thận.
Bảo Bảo (Theo Eat This Not That)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |