Bánh mì trắng
Các sản phẩm từ lúa mì như bánh mì trắng và mì ống có thể kích hoạt tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Tiến sĩ Christopher Hollingsworth, bác sĩ phẫu thuật tại NYC Surgical Associates, Mỹ cho biết: "Bột lúa mì tinh chế đã bị loại bỏ chất xơ và chất dinh dưỡng giúp tiêu hóa chậm. Điều đó có nghĩa là cơ thể có thể phân hủy những thực phẩm này rất nhanh chóng". Khi tốc độ cơ thể phân hủy các carbohydrate tinh chế này càng nhanh thì lượng đường trong máu càng tăng nhanh. Tiến sĩ Hollingworth giải thích, chính lượng đường tăng cao khiến insulin tăng đột biến và dẫn đến viêm nhiễm.
Thực phẩm chiên
Các thực phẩm chiên rán điển hình như khoai tây chiên thường được coi là lựa chọn kém lành mạnh và chúng có thể gây hại nhiều hơn nữa. Nghiên cứu đã chỉ ra, những người ăn nhiều thực phẩm chiên rán có nguy cơ mắc các tình trạng viêm nhiễm cao hơn.
Dầu omega-6
Axit béo omega có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng một số có thể gây ra một số chứng viêm nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, omega-6 có khả năng gây viêm cao và tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Tuy nhiên, tiêu thụ ở mức vừa phải, cân bằng các axit béo có thể an toàn với sức khỏe.
Để tránh sự mất cân bằng omega-6, các chuyên gia khuyến nghị nên hạn chế các loại dầu như ngô, hướng dương, đậu nành, cải dầu, đậu phộng, nho và các thực phẩm chế biến sẵn. Cùng với đó, tuân theo chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt cũng là một cách có lợi cho sức khỏe.
Đường
Đồ ngọt có thể là tác nhân gây viêm khắp cơ thể bạn. Đường, phẩm màu và chất bảo quản có trong đồ ngọt đều gây viêm nhiễm. Chúng tấn công bằng cách làm hỏng niêm mạc ruột dẫn đến ruột bị tổn thương và sau cùng là rò rỉ ruột. Sự rò rỉ này cho phép các phân tử thức ăn lớn, nội độc tố và kháng nguyên đi vào thẳng máu, từ đó dẫn đến viêm nhiễm toàn thân.
Rượu bia
Thỉnh thoảng uống một ly rượu với bạn bè có thể không là vấn đề nhưng đối với những người đang mắc các bệnh viêm thì chưa hẳn là tốt. Uống quá nhiều rượu cũng là tác nhân gây viêm nhiễm. Uống nhiều hơn một ly mỗi ngày đối với phụ nữ có thể gây ra hội chứng rò rỉ ruột, dẫn đến các tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
Nước ngọt
Nghiên cứu năm 2018 đăng trên Tạp chí dinh dưỡng - Journal of Nutrition, Mỹ cho thấy, những phụ nữ uống nhiều soda có chỉ số sinh học về viêm nhiễm và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với những phụ nữ uống ít nước ngọt.
Thịt nguội, thịt xông khói
Các loại thịt đã qua chế biến như thịt nguội chứa các hợp chất gọi là AGEs cao cấp hơn các loại thịt khác. AGEs là các hợp chất gây viêm được tạo ra khi thịt được sấy khô, hun khói hoặc chế biến và nấu chín ở nhiệt độ cao. Các bệnh mạn tính như ung thư ruột kết là một trong những bệnh điển hình do sự viêm nhiễm từ các hợp chất AGEs gây ra.
Thịt xông khói cũng là một trong những món ăn dễ gây viêm nhiễm hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ăn một khẩu phần thịt chế biến, bao gồm cả thịt xông khói mỗi ngày làm tăng 18% nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Bánh ngọt
Bánh ngọt cung cấp cho cơ thể một lượng lớn đường và chất béo chuyển hóa. Khi cơ thể ở trạng thái mất cân bằng, chẳng hạn như lượng đường trong máu tăng, hệ miễn dịch sẽ bị tấn công và kích hoạt tình trạng viêm nhiễm.
Lượng đường tăng đột biến cũng có thể làm tăng mức độ của các cytokine. Cytokine là protein có nhiệm vụ kích hoạt các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Khi nhận thấy tình trạng viêm, loại protein này sẽ có xu hướng tăng lên nhằm kêu gọi các tế bào miễn dịch chống lại tác nhân gây viêm. Tuy nhiên, quá nhiều cytokine có thể dẫn tới suy kiệt ngũ tạng, thậm chí tử vong - đây chính là hội chứng bão cytokine.
Thực phẩm chế biến
Thực phẩm đã qua chế biến như mì ăn liền, ngũ cốc có đường hoặc các loại hạt đóng gói đã được chứng minh là có liên quan đến chứng viêm và bệnh tim. Năm 2019, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 100.000 người trưởng thành trong thời gian 5 năm. Họ phát hiện ra rằng cứ tăng 10% mức tiêu thụ lượng thực phẩm siêu chế biến thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 12%.
Bảo Bảo (Theo The Healthy)