Ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ, trong đó mọi người ngừng thở từ 10 giây trở lên mỗi lần do đường thở bị nghẽn bởi các mô mềm. Lúc này, không khí vào cơ thể rất ít, tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường type 2, trầm cảm, hoặc tử vong trong lúc ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ biểu hiện bằng 8 dấu hiệu dưới đây.
Ngáy ngủ: Ngủ ngáy có thể là biểu hiện chính của chứng ngưng thở khi ngủ nhưng không điển hình do có nhiều nguyên nhân gây ngáy ngủ. Tuy nhiên, nếu tiếng ngáy to, khó chịu, khàn hoặc bị gián đoạn, có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ.
Mệt mỏi khi thức dậy: Đây là dấu hiệu cho thấy chất lượng giấc ngủ kém, khiến mọi người cảm thấy buồn ngủ, sẵn sàng chợp mắt mọi lúc, mọi nơi. Cùng với tiếng ngáy gây khó chịu, mệt mỏi sau khi ngủ có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở do tắc nghẽn khi ngủ.
Không có hơi thở: Nhiều người không biết bản thân bị ngừng thở trong khi ngủ cho đến khi vấn đề tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hơn, khiến trao đổi không khí kém hoặc không có không khí đi vào phổi, phải tỉnh giấc để thở mỗi đêm. Mọi người nên nhờ bạn cùng phòng quan sát giấc ngủ, nếu ngừng thở, ho, ngáy hoặc thở hổn hển thì cần đi khám bác sĩ ngay.
Tăng huyết áp: Khi một người ngừng thở trong vài giây, hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể sẽ hoạt động, làm tăng huyết áp để tăng trao đổi không khí. Ngoài ra, cơ thể giải phóng catecholamine là hormone gây căng thẳng, lâu dần gây bệnh cao huyết áp. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Béo phì: Những người mắc béo phì hoặc béo phì nặng thường bị ngưng thở do trọng lượng tăng thêm ở miệng, lưỡi và cổ, gây khó thở hơn. Một người được coi là thừa cân khi chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) nằm trong khoảng từ 25 đến 29,9 và từ 30 trở lên được coi là béo phì, trên 35 là béo phì nặng.
Tuổi cao: Cơ bắp yếu hơn khi tuổi cao, bao gồm cơ ở vòm miệng và cổ. Vì vậy, người cao tuổi có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như chu vi cổ to, giới tính (đàn ông có xu hướng mắc nhiều hơn phụ nữ), di truyền.
Theo các chuyên gia, mỗi người có thể tự xác định tình trạng sức khỏe của mình dựa vào các dấu hiệu trên. Nếu có từ 5-8 dấu hiệu, bạn có nguy cơ cao mắc ngưng thở khi ngủ và cần đi khám sớm. Nếu có dưới 2 dấu hiệu, nguy cơ mắc bệnh thấp; nguy cơ ở mức trung bình và cần theo dõi nếu có từ 3-4 dấu hiệu.
Tùy vào tình trạng sức khỏe, các bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị khác nhau như thở áp lực dương liên tục, phẫu thuật cắt amidan, polyps mũi... Nếu bạn béo phì, nên giảm cân để làm mất lượng mỡ ở miệng. Các trường hợp ngưng thở khi ngủ nhẹ ngủ nằm nghiêng thay vì nằm ngửa để cải thiện thông khí và giảm ngáy ngủ.
Chi Lê (Theo CNN)