Ho về đêm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, có thể gây khô họng, miệng, chảy nước mũi sau và khó chịu.
Trong khi ngủ, cơ thể giải phóng cytokine - chất cần thiết cho điều chỉnh hệ thống miễn dịch để chống lại các mầm bệnh xâm nhập như virus, vi khuẩn. Thức dậy nhiều lần trong đêm do ho dai dẳng cũng ảnh hưởng đến điều hòa cytokine của cơ thể, khiến hệ miễn dịch suy yếu, khó phục hồi sau khi cảm lạnh, cúm.
Ho về đêm có thể xảy ra do các vấn đề về phổi và đường hô hấp như nhiễm trùng, chảy nước mũi sau, dị ứng và hen suyễn. Ở người bệnh nhiễm trùng phổi, ho khi nằm xuống là phản xạ của lông mao (những sợi lông nhỏ trong phổi) tăng loại bỏ chất nhầy thừa ra khỏi phổi.
Cơ thể dễ dàng loại bỏ chất nhầy mắc kẹt ở tư thế đứng, di duyển hơn nằm. Ho vào ban đêm cũng có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Dưới đây là một số cách kiểm soát cơn ho nhẹ vào ban đêm.
Uống đủ nước: Có thể làm loãng và loại bỏ chất nhầy dễ dàng hơn. Để giữ đủ nước, ngoài uống nước thường xuyên khi khát, ăn trái cây như dưa, dứa, dâu tây và cam có thể hữu ích.
Uống trà thảo dược với mật ong và chanh: Tác dụng giảm ho do nhiễm trùng đường hô hấp trên, dị ứng và chảy nước mũi sau. Mật ong giúp làm dịu cổ họng, ngăn ngừa kích ứng và phản xạ ho. Chanh có chất chống viêm giảm ho.
Viên ngậm ho: Khiến miệng tiết ra nhiều nước bọt hơn, giảm cảm giác ngứa cổ họng. Nhờ đó có thể làm dịu cổ họng bị kích thích và ngăn chặn ho trong thời gian ngắn.
Xông hơi: Hơi từ nước ấm bổ sung độ ẩm cho không khí đi vào đường thở, mở rộng đường hô hấp và làm lỏng dịch tiết trong mũi. Xông hơi trước khi đi ngủ có thể khắc phục cơn ho có đờm và thư giãn cơ thể để ngon giấc hơn.
Chú ý ăn uống: Nếu ho vào ban đêm là do trào ngược axit, người bệnh nên tránh ăn quá nhiều vào buổi tối, hạn chế các món nhiều gia vị, chất béo. Thực phẩm giàu chất xơ, nước có thể cải thiện các triệu chứng. Chúng bao gồm chuối, gạo lứt, khoai lang, bông cải xanh, dưa hấu, cà rốt, dưa chuột, dứa, súp, nước dùng và ăn ít nhất ba giờ trước khi ngủ. Kê cao gối ngủ cũng giảm ho trong trường hợp này.
Thuốc: Thuốc kháng histamine giảm dị ứng, chất lỏng ở phía sau cổ họng và hạn chế kích thích các mô. Loại thuốc này có thể hữu ích với người bị ho ban đêm do chảy nước mũi sau.
Sử dụng máy tạo ẩm: Nếu ho do không khí khô, gia đình có thể cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm. Duy trì độ ẩm ở mức 40-50%, không nên để quá cao vì có thể khiến ho nặng hơn hoặc tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Giảm chất gây dị ứng trong nhà: Loại bỏ các chất gây dị ứng xung quanh nơi ở có thể ngăn ngừa ho do dị ứng. Thường xuyên lau nhà để ngăn bụi tích tụ, sử dụng máy lọc không khí có bộ lọc HEPA để loại bỏ các chất gây dị ứng trong không khí, dễ thở hơn.
Cách kiểm soát cơn ho vào ban đêm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra. Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu ho liên tục, rất nặng và kèm theo triệu chứng đáng lo ngại khác như khó thở, ho ra máu.
Bảo Bảo (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |