Bỏ thuốc lá là lời khuyên hàng đầu các chuyên gia đưa ra khi nói về cách phòng ngừa nguy cơ ung thư phổi. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cho thấy những thay đổi trong lối sống, chế độ ăn uống và một số loại thực phẩm như dưới đây cũng có thể giúp giảm nguy cơ này.
Táo
Theo Verywell Health (Mỹ), táo giàu flavonoid (hợp chất thực vật chống oxy hóa mạnh) mang lại lợi ích chống viêm và tăng cường miễn dịch. Nghiên cứu đăng trên Plos One chỉ ra tiêu thụ càng nhiều flavonoid thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi càng thấp. Tăng 20 mg flavonoid mỗi ngày có thể làm giảm 10% nguy cơ phát triển căn bệnh này. Một số loại flavonoid có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư phổi như quercetin, kaempferol. Vỏ táo (nhất là loại sẫm màu) có hàm lượng flavonoid cao. Khi ăn táo, bạn nên rửa sạch, có thể ăn cả vỏ để tăng cường sức khỏe.
Bông cải xanh, rau bina
Glucosinolate và các hợp chất hợp chất khác trong các loại rau họ cải như bông cải xanh có thể chống lại tác động của các chất gây ung thư trong môi trường, làm giảm khả năng mắc ung thư phổi. Bên cạnh bông cải xanh, các loại rau họ cải khác như bông cải trắng, củ cải, cải xoăn, bắp cải... cũng chứa nhiều glucosinolate. Rau bina và các loại rau lá xanh khác rất giàu vitamin C, carotenoid, lutein, axit folic, vitamin A và K. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.
Cá
Theo Very Well Health, ăn cá thường xuyên có thể giảm 21% nguy cơ ung thư phổi. Ngoài ra, các axit béo omega-3 trong cá còn giúp cơ thể chống lại ung thư ruột kết. Axit béo omega-3 có thể giúp bảo vệ bạn trước các bệnh tim, huyết áp cao và đột quỵ. Ăn 2 bữa cá một tuần giúp duy trì sức khỏe nói chung, tăng khả năng chống lại bệnh ung thư nói riêng.
Tỏi
Tỏi có khả năng ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển bằng cách tăng hoạt động của các tế bào tiêu diệt tự nhiên và đại thực bào (loại tế bào bạch cầu quan trọng đối với khả năng miễn dịch). Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, những người ăn tỏi sống từ hai lần trở lên mỗi tuần giảm 44% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Ăn tỏi sống tốt hơn tỏi khi nấu và ngâm vì giữ được các hợp chất có lợi.
Hành
Hành tây cũng giống như tỏi, được sử dụng từ lâu trong y học dân gian. Hành chứa nhiều quercetin (một loại flavonoid) có đặc tính chống oxy hóa, giúp cản trở sự phát triển của tế bào ung thư. Ăn nhiều hành tây được chứng minh làm giảm nguy cơ ung thư phổi. Bạn có thể tận dụng các đặc tính chống ung thư của loại thực phẩm này bằng cách thêm chúng vào nhiều món ăn hằng ngày.
Ớt đỏ
Ớt chuông đỏ, ớt đỏ có chứa chất phytochemical được gọi là capsaicin - một thành phần làm cho những thực phẩm này có vị cay nhẹ. Nghiên cứu phát hiện ra capsaicin ngăn chặn sự phát triển của ung thư phổi ở chuột sau khi chúng tiếp xúc với chất gây ung thư. Capsaicin giúp giảm nguy cơ ung thư phổi bằng cách kích hoạt quá trình apoptosis, một quá trình mà các tế bào bất thường bị loại bỏ trước khi chúng có thể phân chia và trở thành một khối u ác tính.
Gà
Thịt đỏ, nhất là thịt qua chế biến nhiều lần có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư cao. Tuy nhiên thịt gà thì ngược lại. Ăn thịt gia cầm có thể giúp giảm 10% nguy cơ mắc ung thư phổi. Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ khuyến cáo, mọi người nên tránh các loại thịt đã qua chế biến. Để có được lợi ích từ thịt gà như một nguồn cung cấp protein, bạn nên tìm gia cầm không qua chế biến để giảm mức độ phơi nhiễm của cơ thể với các chất gây ung thư.
Bên cạnh việc làm giảm nguy cơ mắc ung thư, cải thiện chế độ ăn uống có thể làm chậm sự lây lan của ung thư hoặc giảm nguy cơ ung thư tái phát, trong đó có ung thư phổi.
Hà Phượng
(Theo Very Well Health)