Orthopnea, thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng khó thở khi nằm, là trạng thái thở gấp hoặc hụt hơi khi nằm ngửa hoặc nằm nghiêng. Đôi khi, người bệnh có thể cảm thấy tức ngực hoặc giống như không có đủ không khí.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra vấn đề về hô hấp này:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
COPD là một nhóm bệnh về phổi bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Bệnh thường xảy ra ở những người có tiền sử hút thuốc nhưng các yếu tố di truyền, ô nhiễm và hút thuốc thụ động cũng có thể góp phần gây nên.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phá hủy các túi khí trong phổi và làm cho các ống thở hẹp lại, khiến bạn khó thở hơn. Khó thở có thể xảy ra khi thực hiện các hoạt động thể chất hay khi nằm xuống.
Các triệu chứng chính của COPD bao gồm: ho dai dẳng, khó thở, tiết nhiều chất nhầy. Các biện pháp điều trị chủ yếu nhằm mục đích ngăn ngừa tác hại và kiểm soát các triệu chứng, người bệnh cũng cần bỏ thói quen hút thuốc nếu có.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) cũng liên quan đến tình trạng khó thở khi ngủ. Có nhiều loại ngưng thở khi ngủ khác nhau nhưng tất cả đều có các triệu chứng tương tự nhau.
Người bị ngưng thở khi ngủ có thể kèm theo ngáy, tạo ra âm thanh thở hổn hển và nghẹt thở.
OSA ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh và có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn khác nhau chẳng hạn như suy tim sung huyết.

Một số bệnh về đường hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính, ngưng thở khi ngủ, viêm phổi có thể gây ra chứng khó thở khi nằm. Ảnh: Freepik.
Tràn dịch màng phổi
Một nguyên nhân khác có thể gây ra chứng khó thở khi nằm là tràn dịch màng phổi. Đây là tình trạng chất lỏng tích tụ trong khoang màng bao quanh phổi. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, ung thư, thuyên tắc phổi hoặc không có lý do rõ ràng.
Bệnh đôi khi không rõ ràng nhưng có một số triệu chứng tiềm ẩn như thấy đau khi thở hoặc ho. Nếu không điều trị người bệnh có thể phát sinh thêm các vấn đề khác về hô hấp.
Viêm phổi
Viêm phổi cũng có thể dẫn đến khó thở khi nằm xuống. Đây là một bệnh nhiễm trùng tại phổi, có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm.
Người bị viêm phổi có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, thở nông, thở nhanh, ho có đờm xanh hoặc vàng, xuất hiện máu trong đờm, sốt và ớn lạnh...
Điều trị viêm phổi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm và bất kỳ ai có dấu hiệu viêm phổi nên đi thăm khám, đặc biệt nếu kèm theo khó thở.
Suy tim
Những người bị suy tim thường mắc chứng khó thở, đặc trưng là khó thở khi nằm, một số khác cũng cảm thấy khó thở khi hoạt động thể chất. Khi bị suy tim, tim không còn duy trì chức năng bơm máu đến các phần còn lại của cơ thể như bình thường. Kết quả là áp lực trong tim tăng lên và chất lỏng trào ngược vào phổi gây khó thở.
Các triệu chứng khác có thể gặp khi suy tim bao gồm: mệt mỏi, sưng do tích tụ chất lỏng (gọi là phù nề), ho hoặc thở khò khè... Người bị suy tim kê cao gối ngủ, dùng thuốc điều trị hoặc thay đổi lối sống cũng giúp giảm bớt triệu chứng.
Liệt cơ hoành
Cơ hoành là cơ quan hô hấp chính tham gia vào quá trình thở. Khi cơ này bị liệt, không thể co lại do dây thần kinh hoặc cơ bị tổn thương có thể là một nguyên nhân của chứng khó thở khi nằm.
Để điều trị liệt cơ hoành, trước tiên bác sĩ điều trị nguyên nhân cơ bản như dùng thuốc kháng virus hoặc thực hiện thủ thuật giải nén dây thần kinh dẫn đến cơ hoành...
Béo phì
Những người thừa cân hoặc béo phì có thể bị khó thở khi nằm. Chất béo tích tụ trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của hệ hô hấp. Những thay đổi này gây áp lực lên các cấu trúc trong thành ngực, ảnh hưởng đến chuyển động của cơ hoành và quá trình hít vào, thở ra. Đặc biệt, khi họ nằm xuống, lượng mỡ thừa sẽ đè lên phổi khiến việc thở trở nên khó khăn hơn.
Theo các nhà khoa học, béo phì cũng có liên quan đến chứng viêm và điều này có thể ảnh hưởng đến mô phổi.
Khó thở khi nằm có thể là tình trạng đáng lo ngại. Người bệnh nên đi thăm khám sớm nếu bị khó thở thường xuyên, nghiêm trọng, không rõ nguyên nhân hoặc kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt, đau, sốt, nôn hoặc mệt mỏi. Tình trạng môi hoặc móng tay có màu xanh cũng đáng lo ngại vì có thể là biểu hiện mức oxy thấp.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today)