Viêm khớp dạng thấp (RA) thường dẫn đến đau khớp, yếu cơ và tổn thương khớp vĩnh viễn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh phổ biến ở người cao tuổi và tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi trời lạnh.
Viêm khớp dạng thấp phải điều trị kéo dài, kết hợp nhiều thuốc và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Thông thường, bác sĩ sẽ dặn người bệnh dùng thuốc nên khám lại để điều chỉnh liều lượng phù hợp sau 1-2 tháng để tránh tác dụng phụ. Bên cạnh đó, sử dụng những phương pháp tự nhiên như tinh dầu sẽ hỗ trợ người bệnh trong quá trình điều trị cũng như giảm đau, kháng viêm.
Tinh dầu khuynh diệp
Tinh dầu khuynh diệp được điều chế từ lá của cây bạch đàn. Thành phần của loại tinh dầu này là cineole (hay còn gọi là eucalyptol), có công dụng kháng viêm, giảm đau và tạo mùi thơm. Các nhà nghiên cứu cho biết xoa bóp dầu khuynh diệp là một phương pháp điều trị tự nhiên cho các vấn đề về viêm khớp, bệnh gout, đau lưng. Ngoài ra, hít tinh dầu khuynh diệp còn có tác dụng tích cực trong việc giảm cơn đau.
Tinh dầu trầm hương
Đây là tinh dầu được chế biến từ nhựa cây Boswellia (nhũ hương Ấn Độ), sử dụng rộng rãi trong các loại thuốc truyền thống để điều trị nhiều loại bệnh đau mạn tính và viêm nhiễm. Theo Tổ chức Viêm khớp của Mỹ, các axit được tìm thấy trong nhũ hương có đặc tính chống viêm và giảm đau, giúp giảm tình trạng viêm khớp dạng thấp.
Tinh dầu oải hương
Loại này được chiết xuất từ hoa và một phần thân của cây oải hương, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và còn được dùng để làm đẹp. Tinh dầu oải hương chứa các hoạt chất chống viêm, giảm đau và tái tạo tế bào. Các liệu pháp massage bằng tinh dầu oải hương có thể giúp kiểm soát cơn đau và sự mệt mỏi ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
Tinh dầu hoa anh thảo
Dầu hoa anh thảo được chiết xuất từ hạt của hoa này, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Dầu hoa anh thảo rất giàu axit gamma-linolenic (GLA), một axit béo omega-6 có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và giảm đau, cân bằng nội tiết tố (giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt, mãn kinh...). Khi sử dụng dầu hoa anh thảo, GLA được cơ thể chuyển đổi thành chất chống viêm và có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như đau, đau khớp và cứng khớp.
Dầu gừng
Gừng đã được sử dụng từ thời cổ đại để điều trị một số bệnh và từ lâu được khuyên dùng để điều trị chứng viêm và đau mạn tính. Để giảm đau, người bệnh có thể thoa một vài giọt dầu gừng lên vùng bị ảnh hưởng. Nếu muốn tăng thêm hiệu quả, mọi người có thể sử dụng một miếng gạc nóng sau khi xoa bóp vùng da đó bằng dầu. Tuy nhiên, một số người có thể bị dị ứng với gừng bôi ngoài da, vì vậy, cần phải thử nghiệm trên một vùng nhỏ trước.
Tinh dầu nghệ
Củ nghệ có chứa chất curcumin, một hợp chất chống viêm tích cực. Do đó, tinh dầu chiết xuất từ củ nghệ có thể được sử dụng để giảm viêm, kích thích lưu thông máu và cải thiện tiêu hóa. Để điều trị viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể bôi tinh dầu nghệ lên vùng bị ảnh hưởng.
Tinh dầu hoa cúc
Tinh dầu hoa cúc có thể hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp nhờ đặc tính chống viêm. Bên cạnh đó, thoa vài giọt tinh dầu hoa cúc lên các khớp, massage nhẹ nhàng rồi để qua đêm sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe hệ xương khớp.
Sử dụng tinh dầu cho bệnh viêm khớp dạng thấp được coi là một liệu pháp bổ sung giúp giảm bớt một số triệu chứng như đau và viêm. Tuy nhiên, một số loại tinh dầu có thể gây hại nếu sử dụng không đúng cách. Chúng dễ tương tác nguy hiểm với các loại thuốc hoặc chất bổ sung khác mà người bệnh đang dùng. Một số tác dụng phụ khi sử dụng tinh dầu gồm: nhức đầu, phát ban da, tăng nhạy cảm với ánh sáng...
Tinh dầu không thích hợp để sử dụng cho trẻ em hoặc những người đang mang thai hay cho con bú. Ngoài ra, người bệnh tuyệt đối không thay thế thuốc chữa bệnh theo toa bằng tinh dầu hoặc các liệu pháp bổ sung khác. Để đảm bảo an toàn, trước khi sử dụng, cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
Hải My (Theo Times of India)