Các sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, gia dụng có thể chứa một lượng nhỏ tinh chất tự nhiên, bên cạnh nhiều loại hóa chất tổng hợp. Một mùi hương có thể được tạo thành từ 50 đến 300 loại hóa chất khác nhau, có loại có nguồn gốc từ dầu mỏ. Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chúng có thể hữu ích trong liệu pháp mùi hương (phương thức chữa bệnh bằng hương thơm) hấp dẫn khứu giác, giảm mùi khó chịu. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc mùi thơm tổng hợp thường xuyên có thể gây ra những tác động bất lợi cho da, hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh.
Nước hoa chứa một số ít thành phần có nguồn gốc tự nhiên, đa số là hóa chất tổng hợp. Chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như phthalates và các dẫn xuất của chúng như paraben, triclosan, salicylat, tecpen, aldehyde, benzene, toluene, styrene và muối gốc nhôm.
Hít phải không khí chứa nhiều hương nước hoa có thể khởi phát cơn hen suyễn, ho, khó thở, các vấn đề thần kinh (chóng mặt, nhức đầu, mất cân bằng, co giật, ngất xỉu); kích ứng niêm mạc (chảy nước mắt, mũi, hắt hơi), viêm da tiếp xúc (phát ban, nổi mày đay, ngứa).
Hương nước hoa cũng có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa (nhiễm độc gan, buồn nôn), hệ thần kinh (đau đầu, căng thẳng), tim mạch (nhịp tim nhanh hoặc không đều, khó chịu ở ngực), hệ miễn dịch (sưng hạch, sốt, mệt mỏi), thậm chí ung thư (ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt).
Các sản phẩm dành cho tóc có thể chứa cyclosiloxan, paraben, chất tạo mùi thơm diethyl phthalate, nước hoa... Các chất này có nguy cơ khởi phát cơn hen suyễn hoặc rối loạn nội tiết ở người thường xuyên tiếp xúc.
Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, một số loại thuốc duỗi tóc có chứa hoạt chất formaldehyde gây ung thư vú. Phụ nữ nhuộm tóc có nguy cơ ung thư biểu mô tế bào đáy (một loại ung thư da), ung thư buồng trứng.
Nến thơm sử dụng nguyên liệu sáp parafin có nguồn gốc từ dầu mỏ, hóa chất tạo mùi thơm chứa phthalates. Khi đốt cháy, chúng sẽ giải phóng một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như acetone, benzen, toluene và bụi mịn. Người dùng có thể đau đầu; buồn nôn; khó thở, kích ứng mắt, mũi, cổ họng, tăng tiết dịch hô hấp, làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng, hen suyễn.
Nhang thơm có thể được làm từ bột đá vôi trong xây dựng, chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân... và tẩm ướp nhiều hóa chất tạo mùi. Khi đốt, tăm hương và bột làm than hương tỏa ra bụi mịn, khí độc như CO, CO2, NO2, SO2, formaldehyde. Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi độc hại như benzene, toluene, xylene, aldehyd và hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), DEP...
Tiếp xúc thường xuyên với khói nhang gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, dị ứng da và mắt, kích ứng đường thở, tăng stress oxy hóa. Chúng cũng gây khởi phát các đợt cấp của bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng nguy cơ ung thư phổi, mắc bệnh tim mạch, tử vong.
Sản phẩm tẩy rửa, xịt thơm phòng chứa hóa chất tạo tạo mùi có cấu trúc vòng benzen, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như formaldehyde, toluene, chloroform, este, rượu...; chất bảo quản, kháng khuẩn như parabens, triclosan... Tiếp xúc lâu dài với các sản phẩm này dễ dẫn đến các vấn đề về hô hấp như khởi phát cơn hen, dị ứng da, rối loạn nội tiết tố, tăng nguy cơ ung thư phổi.
Bác sĩ Lan khuyên gia đình nên thường xuyên lau dọn bằng nước ấm và xà phòng, baking soda hoặc hỗn hợp nước và giấm. Gia đình hút bụi, quét dọn vệ sinh nhà cửa, sử dụng hệ thống thông gió, trồng cây xanh quanh nhà hoặc sử dụng tinh dầu tự nhiên để tạo hương thơm. Khi sử dụng các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, nên dùng găng tay, đeo khẩu trang. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm tẩy rửa trong không gian nhỏ, kín.
Thuốc lá điện tử được trộn nhiều hương liệu tạo mùi tổng hợp nhằm đánh lừa khứu giác khỏi mùi hăng của nicotin, kim loại nặng và formaldehyde khi đốt cháy, theo bác sĩ Lan. Một số loại thuốc lá điện tử còn có acrolein thường được dùng làm chất diệt cỏ dại.
Các phân tử hương vị trong sản phẩm này phản ứng với propylene glycol trong chất lỏng điện tử, tạo ra các chất chuyển hóa kích ứng hô hấp. Hút thuốc lá điện tử chủ động hay thụ động đều có thể dẫn đến ho mạn tính, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, rối loạn thần kinh, ung thư.
Nước xả vải có hương liệu tạo mùi là các hợp chất gốc hydrocacbon vòng benzen, phthalates có tác dụng phân tán mùi hương, xạ hương tổng hợp như galaxolide... Hỗn hợp mùi hương này có thể gây dị ứng, kích ứng da như viêm da, khó thở, ảnh hưởng hệ sinh sản.
Theo bác sĩ Lan, các loại nước xả làm mềm vải thường được hướng dẫn hòa trực tiếp vào nước giặt cuối mà không cần xả lại bằng nước sạch. Điều này khiến hóa chất tồn lại rất lâu trong áo quần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Ủi, sấy có thể khiến hóa chất bốc hơi mạnh, nguy hiểm với người bệnh hen suyễn hoặc nhạy cảm với hóa chất.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |