Bệnh tiểu đường type 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phát hiện ở người dưới 18 tuổi. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như di truyền, sự kích hoạt cơ chế tự miễn của cơ thể, phơi nhiễm một số loại virus nhất định, môi trường độc hại ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trong quá trình điều trị, người bệnh tiểu đường type 1 cần có chế độ chăm sóc riêng, nhất là chế độ ăn uống và vận động thường xuyên.
Kiểm tra lượng đường trong máu đều đặn để hạn chế nguy cơ biến chứng tiểu đường type 1. Người bệnh nên duy trì chỉ số đường huyết theo mức khuyến cáo của bác sĩ. Mục tiêu là kiểm soát đường huyết gồm HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình mỗi ba tháng) dưới 7%, đường huyết trước ăn khoảng 80-130 mg/dl, đường huyết sau ăn 1-2 giờ nhỏ hơn 180 mg/dl.
Dùng insulin và các loại thuốc khác đúng chỉ định vì người bệnh tiểu đường type 1 thường gặp tình trạng thiếu hụt hormone insulin nội sinh, cần phải thay thế bằng insulin tổng hợp từ thuốc. Có nhiều loại insulin tổng hợp, mỗi loại có thời gian hoạt động khác nhau trong cơ thể. Bác sĩ chỉ định sử dụng loại phù hợp tùy vào tình trạng bệnh. Bên cạnh kiểm soát đường huyết, người bệnh có thể dùng một số loại thuốc kiểm soát lipid máu, huyết áp... theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường tối thiểu ba lần một năm giúp người bệnh theo dõi và phát hiện các biến chứng tiểu đường sớm.
Lập kế hoạch hằng ngày về chế độ dinh dưỡng, vận động để kiểm soát lượng đường trong máu, nâng cao sức khỏe tổng thể. Người bệnh nên ưu tiên chế độ ăn lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt, sữa... Hạn chế các món ăn được chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, bánh kẹo, nước ngọt...
Cập nhật kiến thức về bệnh tiểu đường type 1, các phương pháp điều trị, phòng ngừa bệnh theo khuyến cáo từ bác sĩ chuyên khoa. Nhờ đó, người bệnh có thể quản lý triệu chứng tốt hơn, phòng biến chứng.
Kết nối với người bệnh tiểu đường type 1 nhằm chia sẻ các kiến thức hữu ích, hỗ trợ nhau về tinh thần trong quá trình sống chung với bệnh.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cần thiết cho người có nguy cơ trầm cảm, lo âu. Bởi người tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần cao hơn bình thường. Do đó, bất cứ khi nào xuất hiện dấu hiệu trầm cảm hoặc lo lắng, người bệnh nên đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn.
Bảo Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |