Trầm cảm là một rối loạn tinh thần hay tâm trạng, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, mất hứng thú kéo dài. Trước áp lực của cuộc sống, ngày càng có nhiều người ở nhiều độ tuổi mắc phải căn bệnh này với các mức độ khác nhau.
BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiều bệnh nhân trầm cảm nhưng không biết để đi khám sớm. Bên cạnh các dấu hiệu về tinh thần như lo lắng, chán nản, không có hứng thú với các hoạt động thường ngày, trầm cảm có thể gây ra các dấu hiệu về thể chất mà người bệnh có thể không ngờ tới.
Đau ngực: Trầm cảm đi đôi với những cơn lo lắng và hoảng loạn, thường cảm thấy đau ở ngực. Các nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy đau ngực có thể là một dấu hiệu hữu ích để chẩn đoán trầm cảm. Theo bác sĩ Minh Trung, mọi người nên đi khám nếu thấy cơn đau bất thường ở ngực, giúp tầm soát một số bệnh lý như đau tim và các tình trạng nghiêm trọng khác, trong đó có trầm cảm.
Nhức đầu: Nhức đầu là một triệu chứng khác liên quan đến trầm cảm. Người bệnh thường phàn nàn về cơn đau đầu âm ỉ, tồi tệ hơn vào buổi sáng và ban đêm. Những cơn đau đầu này có thể xảy ra do các cơ ở cổ và da đầu bị căng cứng vốn thường gặp khi bị trầm cảm.
Đau nhức: Nhức mỏi và trầm cảm hay đi cùng nhau. Trầm cảm có thể gây ra đau nhức và đau nhức có thể gây ra trầm cảm. Những người bị trầm cảm thường cảm thấy đau nhức ở bụng, khớp, cổ, lưng hoặc toàn thần không rõ nguyên nhân. Điều này đúng với những người đang mắc sẵn các bệnh như viêm khớp hoặc chấn thương. Họ có thể thấy cơn đau của mình trở nên tồi tệ hơn.
Rối loạn tiêu hóa: Trầm cảm có thể gây ra các triệu chứng chán ăn, buồn nôn, đau bụng đi kèm với lo lắng, chán nản. Hệ thống tiêu hóa nhạy cảm với cảm xúc. Điều này thường thể hiện rõ đối với các nhóm trẻ em và thanh thiếu niên mắc trầm cảm.
Kiệt sức: Người mắc trầm cảm thường thấy kiệt sức, không có năng lượng, thậm chí không có động lực sống. Một số người khác thu mình lại, không có động lực bước ra khỏi giường. Theo bác sĩ Minh Trung, đây không phải là mệt mỏi bình thường có thể hồi phục sau khi nghỉ ngơi.
Khó ngủ: Một dấu hiệu thể chất khác của bệnh trầm cảm là trằn trọc, mất ngủ hoặc ngược lại ngủ rất nhiều. Trầm cảm cũng có thể tác động đến ham muốn tình dục của một người.
Cân nặng bất thường: Trầm cảm có thể tác động đến sự thèm ăn cũng như chán ăn. Một số người bệnh giảm cân là do thường mất hứng thú với thức ăn. Người khác lại tăng cân do sử dụng thức ăn như một cách phản ứng lại cảm xúc căng thẳng và buồn bã.
Bác sĩ Minh Trung cho biết thêm người bệnh khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ trầm cảm nên đi thăm khám càng sớm càng tốt. Bệnh có thể điều trị bằng thuốc và các biện pháp không dùng thuốc khác. Một số kỹ thuật cao như máy kích thích từ trường xuyên sọ đang được áp dụng để điều trị trầm cảm. Kỹ thuật này tạo ra các sóng điện tử đi xuyên qua xương sọ, kích thích các tế bào thần kinh và làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não tương ứng, mang lại hiệu quả. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân trầm cảm bằng kỹ thuật này.
Tâm An