Một số trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thường bị khó ngủ vào buổi tối, hay trằn trọc, khóc lóc trước khi đi ngủ hoặc thức dậy sau vài giờ ngủ, thậm chí vài phút. Có nhiều cách để giúp bé ngủ ngon hơn, dưới đây là một số cách bố mẹ có thể thử.
Tạo thói quen tốt: Phụ huynh nên tạo ra những thói quen môi trường như tắt đèn, kéo rèm, giảm ánh sáng, giảm tiếng ồn khoảng 30 phút trước khi đi ngủ. Lặp lại các hành động này mỗi ngày, khi cho bé vào giường để bé có thể hiểu được đây là dấu hiệu cho biết đã đến giờ đi ngủ.
Không ăn trước và trong khi ngủ: Nhiều cha mẹ hay có thói quen cho con ti hoặc ngậm bình sữa chìm vào giấc ngủ. Hành động này ngoài tiềm ẩn nguy cơ gây ngạt, còn tạo thói quen ngủ không tốt cho trẻ. Thói quen bú khi ngủ có thể khiến trẻ thức dậy nhiều lần để tìm sữa.
Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ nên cho ăn sớm hơn vào buổi tối. Với các bé trên 6 tháng tuổi, mẹ có thể tập thói quen cắt cữ ăn đêm để con có thể ngủ ngon hơn.
Đi ngủ sớm: Ngủ vào cùng một giờ mỗi ngày và trước 10 giờ tối tạo cho não thói quen, từ đó kích thích tiết ra melatonin, giúp giấc ngủ sâu hơn. Bố mẹ không nên đợi đến khi con có dấu hiệu buồn ngủ mới cho vào giường. Thay vào đó, bố mẹ nên canh một giờ cố định, cho trẻ vào giường dù trẻ vẫn còn muốn chơi.
Loại bỏ việc ăn vặt: Bạn nên cho con ăn no vào ban ngày để con có đủ năng lượng vào buổi tối. Khoảng 2-3 giờ trước khi đi ngủ, bố mẹ không nên cho con ăn vặt hoặc uống sữa. Ăn uống no trước khi đi ngủ có thể khiến bé đi đầy bụng gây khó ngủ.
Ngủ trưa nghiêm túc: Một đứa trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ ngủ ngon hơn một đứa trẻ đi ngủ trong tình trạng quá mệt mỏi. Suy nghĩ để cho con thức cả ngày sẽ ngủ ngon vào buổi tối là sai lầm nhiều cha mẹ hay gặp phải. Khi quá mệt, hormone gây căng thẳng tăng lên, chúng có thể đánh thức trẻ nhiều lần trong đêm.
Để trẻ tự ngủ lại: Khi trẻ giật mình giữa đêm, người lớn nên để con tự xoay sở với việc ngủ lại. Nếu bạn can thiệp bằng các hành động như xoa lưng, ôm ấp hay hát ru mỗi khi nghe con khóc, điều này tạo cho các bé thói quen xấu.
Đừng thử quá nhiều cách: Bố mẹ không nên quá áp lực khi thấy con ngủ không ngon giấc. Việc nghe truyền miệng và thử quá nhiều cách để trẻ ngủ vô tình sẽ tạo nên áp lực với trẻ lẫn bố mẹ. Người lớn nên kiên trì với những thói quen tự nhiên được chuyên gia nhi khoa hướng dẫn. Trong một số trường hợp giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên cho con đi khám để tìm nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.
Anh Chi (Theo Very Well Health)