Thay đổi lối sống có thể góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh.
Bỏ thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư phổi. Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại như formaldehyde, benzen, asen. Những hóa chất này làm tăng nguy cơ mắc ung thư và các bệnh về đường hô hấp khác. Giảm tiếp xúc với thuốc lá thụ động, bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, cải thiện sức khỏe tổng thể. Một số cách có thể giúp bạn bỏ thuốc lá như liệu pháp thay thế nicotin, cai thuốc bằng cách ăn kẹo mỗi khi thèm thuốc...
Giảm rủi ro nghề nghiệp: Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xác định một số tác nhân nghề nghiệp là chất gây ung thư phổi bao gồm: thạch tín, amiăng, bis-chlorometyl ete, berili, cadmi, crom, silica tinh thể, niken, radon, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhôm, khói từ than cốc và khí hóa than. Nguy cơ ung thư phổi thay đổi tùy vào từng chất gây ung thư và thời gian tiếp xúc. Nếu làm việc trong môi trường có các chất gây ung thư, người lao động cần trang bị phương tiện bảo hộ phù hợp.
Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư phổi. Tăng cường ăn trái cây, rau củ, protein nạc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Các thực phẩm như táo, bông cải xanh bina, cá, tỏi, ớt đỏ, gà, hành củ có lợi cho chế độ ăn uống ngăn ngừa ung thư.
Hạn chế uống rượu: Rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến - một loại ung thư phổi. Nguy cơ ung thư phổi ở những người uống bia, rượu mỗi ngày tăng 11% so với người không uống.
Luyện tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư phổi. Tập thể dục làm cải thiện chức năng phổi, giảm nồng độ chất gây ung thư trong phổi, cải thiện chức năng miễn dịch và giúp tăng cường khả năng sửa chữa DNA bị hỏng trong các tế bào phổi. Lợi ích này tăng lên tỷ lệ thuận với cường độ và thời gian tập. Tập thể dục hỗ trợ giảm ung thư phổi ở cả những người từng hút thuốc.
Cân nhắc về thực phẩm bổ sung: Đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy chất bổ sung có thể ngăn chặn ung thư nói chung, ung thư phổi nói riêng. Việc bổ sung không đúng cách có thể dẫn đến tác dụng ngược, làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở một số người. Mọi người có thể bổ sung các vi chất, khoáng chất hoặc thực phẩm bổ sung khi bác sĩ xác định tình trạng thiếu hụt trong cơ thể và được chỉ định.
Khám sức khỏe định kỳ: Sự phát triển của y học hiện đại có thể giúp bác sĩ phát hiện ung thư phổi từ giai đoạn sớm. Sàng lọc, phát hiện sớm giúp điều trị dễ dàng hơn, giảm nguy cơ tử vong do bệnh.
Anh Chi (Theo Very Well Health, Healthline)