Trả lời:
Vài năm trở lại đây, chế độ thực dưỡng được nhiều người quan tâm. Trên các trang mạng xã hội, một số người chia sẻ cách ăn thực dưỡng chữa khỏi nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư. Ví dụ như ăn cơm gạo lứt muối mè, nhai gạo lứt sống, bỏ đạm và ăn thuần chay... Thực dưỡng là một chế độ ăn nghiêm ngặt, chủ yếu là ngũ cốc. Phương pháp này không khác gì hình thức ăn chay.
Gạo lứt có hai loại, vỏ nâu và vỏ trắng. So với gạo thông thường, gạo lứt chứa nhiều protein hơn 40%; hàm lượng chất xơ, vitamin B... đều cao hơn. Lớp cám gạo bên ngoài gạo lứt còn có nhiều axit béo không no, có tính chống oxy hóa tốt cho tim mạch, giúp giảm cholesterol xấu.
ThS.BS Lê Thị Hải - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết gạo lứt tốt trong việc phòng ngừa ung thư, béo phì, các bệnh mạn tính nhưng ăn gạo lứt để chữa ung thư như ăn gạo lứt muối mè, gạo lứt sống là không có cơ sở khoa học. Đối với người bệnh ung thư, quan trọng nhất là cung cấp năng lượng và đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Vì bản chất kháng thể là protein, nếu không cung cấp đủ chất đạm thì cơ thể không thể sinh ra được kháng thể. Không có kháng thể thì không có hệ miễn dịch tốt để chống lại bệnh tật.
Bác sĩ Hải chia sẻ thêm, chế độ ăn chỉ có tính chất phòng ngừa chứ không có chế độ ăn nào điều trị được ung thư. Ăn kiêng theo chế độ thực dưỡng, trong đó không ăn sản phẩm từ động vật có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, nguy hiểm đối với những người mắc căn bệnh này. Bác sĩ gặp rất nhiều bệnh nhân trong thời gian điều trị ung thư nhưng lại bỏ giữa chừng, ăn theo chế độ thực dưỡng hoặc bỏ đói tế bào ung thư khiến bệnh chuyển biến nặng hơn.
"Bệnh nhân do không có đủ kiến thức ung thư, lo sợ khối u phát triển hoặc tái phát nên không dám ăn uống, ăn thực dưỡng. Nhịn đói hay kiêng khem để bỏ đói tế bào ung thư chỉ làm cơ thể suy kiệt trước khi tế bào ung thư chết. Không phải nhịn đói là tế bào ung thư không phát triển, thậm chí nó còn phát triển nhiều hơn khi cơ thể chúng ta bị suy kiệt, sức đề kháng yếu", bác sĩ Hải nói.
Chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư phải cung cấp đủ 4 nhóm gồm chất đạm, chất đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Người bệnh còn cần bổ sung chất đạm nhiều hơn người bình thường. Ví dụ: Người bình thường chỉ cần 0,8-1g protein/kg cân nặng nhưng người bệnh ung thư cần từ 1,2-1,5g, có khi đến 2g protein/kg cân nặng. Vì ăn nhiều chất đạm cơ thể mới xây dựng, củng cố hệ thống miễn dịch tạo được ra kháng thể.
Chế độ ăn cần nhiều vitamin và khoáng chất trong rau xanh, hoa quả vì chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa. Những chất này hỗ trợ tiêu diệt gốc tự do, các chất độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
"Phần lớn bệnh nhân ung thư có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng... do bệnh lý và cả tâm lý. Người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, kết hợp đạm có nguồn gốc động vật và thực vật", bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Khánh Chi