Táo bón là tình trạng đi đại tiện ít hơn ba lần mỗi tuần, đi kèm cảm giác rặn, đau, khó chịu khi đi vệ sinh. Táo bón xảy ra cấp tính thường do chế độ ăn uống nhưng cũng có thể mạn tính do bệnh lý. Người bệnh có thể cân nhắc bổ sung 6 món ăn dưới đây thường xuyên để kiểm soát tình trạng này.
Hạt lanh cung cấp chất xơ hòa tan và không hòa tan, có vai trò thúc đẩy nhu động ruột. Ăn hạt lanh hàng ngày còn góp phần cải thiện tần suất đi đại tiện, làm mềm phân. Chọn hạt lanh xay thay vì loại còn nguyên hạt để tránh khó tiêu hóa.
Kiwi giảm táo bón nhờ dồi dào chất xơ làm tăng khối lượng phân, rút ngắn thời gian vận chuyển qua ruột và thư giãn các cơ ở đại tràng. Enzyme actinidin trong kiwi cũng hỗ trợ thức ăn di chuyển đều đặn qua đường tiêu hóa. Loại quả này còn giàu vitamin C, có khả năng kích thích nhu động dạ dày, tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Ăn một quả kiwi mỗi ngày giúp thúc đẩy nhu động ruột đều đặn, ngay cả ở người mắc hội chứng ruột kích thích.
Hạt chia kết hợp chất lỏng như sữa, nước dễ dàng tạo thành một lớp gel dày. Chất xơ tạo gel này giúp hấp thụ nước và tăng khối lượng phân, từ đó phân dễ dàng đi qua ruột, ngăn ngừa táo bón. Người trưởng thành có thể sử dụng hai muỗng canh hạt chia mỗi ngày để cung cấp 10 g chất xơ - tương đương 1/3 nhu cầu chất xơ hàng ngày.
Yến mạch và cám yến mạch là nguồn chất xơ hòa tan tốt, hỗ trợ làm mềm phân, từ đó đi đại tiện dễ dàng hơn. Bắt đầu ngày mới với một bát yến mạch nóng cùng trái cây và hạt chia giúp bổ sung nhiều chất xơ cho cơ thể.
Mận khô và nước ép mận không chỉ cung cấp chất xơ mà còn bổ sung lượng sorbitol dồi dào. Sorbitol là một loại rượu đường tự nhiên có tác dụng nhuận tràng. Nước ép mận không có chất xơ nhưng nó vẫn chứa sorbitol có tác dụng kích thích nhu động ruột. Không ăn quá nhiều mận một lúc vì có thể dẫn đến đầy hơi, tiêu chảy.
Cà phê có tác dụng kiểm soát táo bón nhờ khả năng kích thích nhu động ruột. Caffeine trong cà phê kích thích các cơ co bóp trong đường tiêu hóa để thức ăn di chuyển dễ dàng. Uống cà phê cũng hỗ trợ sản xuất các hormone tiêu hóa như gastrin ở dạ dày và cholecystokinin (CCK) trong ruột non. Cà phê nóng có tác dụng nhuận tràng, làm tăng tốc độ di chuyển của phân qua đường tiêu hóa.
Anh Chi (Theo Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |