Bữa tối có vai trò quan trọng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chức năng ruột hoạt động ổn định, ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người có thói quen bỏ bữa tối do nhu cầu ăn kiêng giảm cân. Đi ngủ khi bụng đói có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa. Dưới đây là một số tác hại có thể xảy ra nếu bỏ bữa ăn này thường xuyên.
Vấn đề về tiêu hóa
Thường xuyên bỏ bữa tối khiến dạ dày trống rỗng, hình thành khí do tác động của axit clohydric, dễ gây khó tiêu, kích ứng dạ dày, trào ngược dạ dày làm tăng nguy cơ buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Những người bỏ bữa thường xuyên dễ mắc chứng rối loạn ăn uống như biếng ăn, ăn uống vô độ.
Theo bác sĩ Khanh, thay vì bỏ bữa, bạn nên điều chỉnh thời gian hợp lý giữa các bữa ăn, chọn các món nhẹ tốt cho sức khỏe thế chất và tinh thần. Không chọn các món khó tiêu và ăn tối quá muộn hoặc sát giờ đi ngủ.
Thiếu hụt dinh dưỡng
Thường xuyên không ăn tối có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng như magie, vitamin B12, vitamin D3. Các vi chất này cần thiết cho hoạt động hàng ngày. Thiếu chất kéo dài làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Mệt mỏi
Bụng đói có hại cho sức khỏe tâm lý, chức năng não nói chung và khả năng ra quyết định. Não hoạt động dựa vào glucose, người bỏ bữa tối dễ gặp tình trạng tụt đường huyết. Sự thay đổi lớn về lượng đường trong máu có thể gây ra các biến chứng cho sức khỏe, nhất là vào ban đêm.
Mất ngủ
Bỏ bữa tối còn ảnh hưởng đến chu kỳ giấc, gây mất ngủ, trằn trọc. Thiếu ngủ có thể tác động tiêu cực đến khả năng miễn dịch, tâm trạng, năng lượng và sự trao đổi chất của cơ thể. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.
Tăng cân
Dạ dày trống rỗng dẫn đến tăng cân bởi cơ thể bị đói, có xu hướng thèm ăn và ăn nhiều hơn vào bữa tiếp theo. Bỏ bữa khiến bạn mất kiểm soát ăn uống, tăng cảm giác thèm ăn hơn bình thường, ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất, dễ tăng cân.
Giảm cơ
Việc trao đổi chất chậm lại cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng cơ của cơ thể. Khi ngủ, cơ thể chuyển sang chế độ sửa chữa và phục hồi, bao gồm xây dựng khối lượng cơ, chuyển hóa protein thành cơ và sửa chữa các mô bị thương. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và protein để sửa chữa, phục hồi dễ dẫn đến mất khối lượng cơ khi ngủ.
Tiến sĩ Khanh khuyên mọi người nên ăn uống cân bằng, chia thành các bữa nhỏ từ 6h sáng đến 19h. Bữa tối nên kết thúc trước giờ đi ngủ hai tiếng. Đây là thời gian đủ để cơ thể tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Người lớn nên vận động nhẹ nhàng giúp giảm lượng calo, đồng thời chuyển hóa thức ăn nhanh hơn.
Thực phẩm cho bữa ăn này nên chọn là các món dễ tiêu, hạn chế thực phẩm sinh ra nhiều khí trong quá trình tiêu hóa như ngô, khoai lang, đậu xanh... Các thực phẩm kích thích đường tiêu hóa nên tránh như ớt, tỏi, hành, nhiều chất béo, không nên ăn nhiều thịt.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |