Ho mạn tính thường được định nghĩa là ho kéo dài hơn 4 tuần, xu hướng dai dẳng. Cơn ho này tạo ra đờm nhầy, dịch tiết trong hoặc có màu trắng đục. Trẻ bị ho mạn tính thường mệt mỏi, chán ăn. Trong một số trường hợp cơn ho mạn tính khiến con bạn cảm thấy khó thở, làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Có nhiều lý do khiến trẻ bị ho mạn tính, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến.
Nhiễm trùng đường hô hấp: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho. Trẻ bị viêm đường hô hấp chủ yếu do virus, vi khuẩn. Triệu chứng thường gặp như ho, sốt nhẹ, tắc nghẽn do có quá nhiều chất nhầy. Ho kéo dài có thể khiến trẻ chán ăn, buồn nôn.
Phụ huynh có thể thử các biện pháp khắc phục cơn ho tại nhà trong trường hợp này bằng cách cho con uống nhiều chất lỏng như nước, trà ấm, tránh cho trẻ uống nước cam, đồ có ga; bật máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương mát vào ban đêm; sử dụng nước muối xịt mũi hoặc ống tiêm hút để thông mũi; cho trẻ trên một tuổi uống mật ong với nước ấm trước khi đi ngủ.
![Ho mạn tính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/12/15/8430-1664947108-2022-1671092016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=psT7uqi_7Eh36VPzXY6njA)
Ho mạn tính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Ảnh: Freepik
Viêm xoang: Viêm xoang gây viêm niêm mạc mũi và xoang có thể là nguyên nhân khiến trẻ ho dai dẳng. Viêm xoang tạo ra các túi khí dọc theo lông mày, gò má và mũi, khi tình trạng tắc nghẽn gia tăng, các xoang trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn, dẫn đến ho dai dẳng và chảy nước mũi đặc có màu vàng xanh. Ngoài ho mạn tính, viêm xoang có thể gây chảy nước mũi sau, hơi thở có mùi, năng lượng thấp, bọng mắt và quầng thâm quanh mắt. Trẻ lớn hơn có thể bị đau đầu.
Với nguyên nhân này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng và thuốc xịt mũi để giảm bớt các triệu chứng.
Dị ứng: Dị ứng khiến trẻ bị chảy nước mũi, ngứa mắt kèm theo ho. Đây là cách cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng. Chất gây dị ứng kích hoạt giải phóng histamin và các chất sinh hóa khác, gây viêm và tắc nghẽn, chảy nước mũi sau, ho dai dẳng ở trẻ em.
Người lớn có thể dùng nước xịt mũi hoặc thuốc kháng histamine không kê đơn để giúp các bé làm khô dịch tiết mũi. Ngoài ra, cha mẹ nên tìm hiểu tác nhân gây dị ứng và hạn chế trẻ tiếp xúc với các chất dị ứng này.
Hen suyễn: Hen suyễn là một tình trạng hô hấp ảnh hưởng đến các đường dẫn khí nhỏ trong phổi và là nguyên nhân phổ biến gây ho mạn tính ở trẻ.
Trẻ bị hen suyễn thường bị khó thở, thở khò khè, cảm giác tức ngực mỗi khi ho. Bệnh hen suyễn có thể đi theo một người đến khi họ trưởng thành, việc cần làm là ngăn các đợt bùng phát cơn hen, giữ trẻ tránh xa các tác nhân gây dị ứng.
Trào ngược axit: Khi axit từ dạ dày trào ngược lên cổ họng, trẻ có thể bị nôn ói, quấy khóc, gây ho. Những cơn ho này thường diễn ra nhanh, kết thúc, sau đó tái ho tùy vào các đợt trào ngược.
Người lớn nên giữ trẻ nằm thẳng trong 30 phút sau khi bú, kê cao đầu giường, gối cao khi trẻ ngủ để tránh trào ngược, giúp giảm ho. Đối với trẻ lớn hơn, bạn hãy cắt giảm các loại thực phẩm nghi ngờ gây ra các triệu chứng trào ngược như trái cây họ cam quýt, cà chua, socola, bạc hà, thức ăn cay.
Tic hoặc ho do thói quen: Nguyên nhân này thường khó chẩn đoán và điều trị. Trẻ có thể ho khi cảm thấy nhột trong cổ họng, hoặc ho theo quán tính mà không nhận ra mình đang ho, lâu dần nó có thể trở thành thói quen.
Bố mẹ có thể giúp con phá vỡ thói quen này bằng cách nhắc nhở con mỗi khi nghe tiếng ho, cho con uống một ngụm nước, một cây kẹo mút hoặc kẹo ngậm.
Bất kể là nguyên nhân gì, phụ huynh nên cho con đi khám khi nhận thấy cơn ho có bất thường, kéo dài nhiều ngày. Xác định sớm nguyên nhân có thể giúp quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt hơn.
Anh Chi (Theo Parents)