Nôn trớ, trào ngược dạ dày rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nguyên nhân có thể do: cho ăn quá mức, cơ bụng yếu, cơ vòng thực quản dưới chưa trưởng thành, hệ thống tiêu hóa chậm. Một số trường hợp trào ngược ở trẻ do dị ứng thức ăn. Đối với trẻ lớn hơn, trào ngược dạ dày là hệ quả của việc không dung nạp lactose.
Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi khi được 12 tháng tuổi. Bé được chẩn đoán mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) khi có các triệu chứng: cáu gắt, tăng cân kém, nôn mửa liên tục. Những em bé có các triệu chứng này phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
GERD gây khó chịu, đau đớn cho trẻ sơ sinh khiến chúng khó đi vào giấc ngủ. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích cho cha mẹ gặp khó khăn khi đưa trẻ sơ sinh mắc chứng GERD vào giấc ngủ.
Sắp xếp thời gian ăn ngủ hợp lý: trào ngược thường xảy ra sau bữa ăn, mẹ không nên cho trẻ đi ngủ ngay sau khi bú. Thay vào đó, bạn hãy vỗ ợ và đợi 30 phút trước khi cho trẻ ngủ, điều này đảm bảo rằng cơ thể trẻ đã tiêu hóa bữa ăn.
Mẹo ngủ an toàn cho trẻ: nhiều cha mẹ nhận được lời khuyên nên nâng cao đầu cho trẻ giúp giảm triệu chứng trào ngược. Tuy nhiên, Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cho rằng phương pháp này không hiệu quả, khiến trẻ nằm tư thế không an toàn khi ngủ. AAP khuyến nghị trẻ sơ sinh luôn nằm ngửa khi ngủ trên bề mặt phẳng, chắc chắn.
Chăn, gối và các vật mềm khác như đồ chơi nên để xa khu vực trẻ ngủ, điều này làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). AAP khuyến nghị cha mẹ nên ngủ cùng phòng với con trong khoảng 6-12 tháng đầu.
Uống thuốc và thăm khám với bác sĩ: tình trạng trào ngược khiến trẻ nôn trớ tất cả những gì đã ăn, ăn chưa đủ làm trẻ khó ngủ. Phụ huynh liên hệ với bác sĩ nhi khoa để tìm giải pháp thích hợp giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Hình thành thói quen đi ngủ: giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ cố gắng thiết lập giấc ngủ nhất quán cho trẻ hằng đêm. Giấc ngủ sâu giúp làm dịu cơn đau, giảm các triệu chứng trào ngược.
Quỳnh Anh (Theo Healthline)