VNExpress

TIÊU HÓA VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

6 món ăn người bệnh viêm loét đại tràng nên hạn chế

Tỏi sống, hạnh nhân, bắp cải chứa nhiều chất xơ gây khó tiêu và có thể kích ứng đường ruột của người bị viêm loét đại tràng.

Hành và tỏi sống rất giàu chất xơ, khó tiêu hóa và có thể gây đầy hơi. Người bệnh viêm loét đại tràng nên dùng hành tỏi nấu chín, vừa giúp phân hủy chất xơ vừa tăng thêm hương vị cho món ăn.

Húng quế, rau mùi tây cũng giúp tăng hương vị. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh hạt tiêu và cà ri vì chúng có thể kích ứng đường tiêu hóa.

Cà chua dạng nước ép nước hay nấu chín đều có thể gây khó chịu, kích ứng niêm mạc ruột vì chứa nhiều axit. Hạt cà chua cũng khó tiêu, người bệnh nên tránh thực phẩm này, nếu muốn có món nước sốt hãy dùng bí đỏ nấu chín, xay nhuyễn, thay sốt cà chua.

Bắp cải chứa rất nhiều chất xơ dẫn đến khó tiêu. Hơn nữa, bắp cải còn tạo ra lưu huỳnh khi tiêu hóa có thể gây đầy hơi và khó chịu ở bụng. Người bị viêm loét đại tràng nên ăn các loại rau xanh nấu chín như bina, cải chíp và cải rổ để tránh các triệu chứng này.

Trái cây có hạt như dâu tây, mâm xôi đôi khi là tác nhân làm triệu chứng viêm loét đại tràng nặng hơn, do hạt của chúng nhỏ. Trái cây có vỏ cũng khó bị phân hủy khi viêm loét đại tràng bùng phát.

Người bệnh nên dùng nước ép hoặc xay sinh tố trái cây để tránh kích ứng. Sau khi triệu chứng bệnh cải thiện, bổ sung trái cây tươi để tăng chất chống oxy hóa làm giảm viêm.

Các loại hạt cũng chứa nhiều chất xơ, có thể khiến người bệnh khó tiêu hóa. Ví dụ, hạnh nhân, quả phỉ, hạt điều có kết cấu cứng dẫn đến không tiêu và kích ứng đường ruột, nhất là trong thời gian bệnh bùng phát.

Người bệnh nên tiêu thụ các loại hạt dưới dạng bơ (bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân) vì chúng mềm và dễ tiêu hóa hơn. Bơ hạt còn cung cấp chất béo không bão hòa đơn, làm dịu tình trạng viêm.

Sữa và các sản phẩm từ sữa bò chứa đường lactose gây khó tiêu cho người viêm loét đại tràng không dung nạp lactose. Tuy nhiên, người bệnh có thể dùng sữa chua vì ít đường lactose, được lên men nên chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa.

Dùng sản phẩm sữa làm đậu nành, hạnh nhân, hạt điều có thể thay thế sữa bỏ. Người bệnh nên uống sữa đậu nành từ từ vì chúng có thể dẫn đến đầy hơi và chướng bụng.

Mai Cat (Theo Everyday Health)
Ảnh: Freepk

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn