Axit dạ dày là dịch tiêu hóa có chứa axit clohydric (HCL) và các enzym tiêu hóa phân hủy thức ăn, tiêu diệt vi khuẩn có hại. Nguyên nhân của tình trạng này là do sử dụng lâu dài thuốc kháng axit, suy giáp, nhiễm trùng mạn tính, bệnh đường tiêu hóa, thiếu kẽm, phẫu thuật dạ dày... Người nhiễm Helicobacter pylori (một bệnh nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn), viêm dạ dày teo, căng thẳng cao thường xuyên cũng khiến nồng độ axit dạ dày thấp.
Nồng độ axit trong dạ dày thấp có thể dẫn đến một loạt triệu chứng khó chịu và khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Các triệu chứng như ợ hơi, đầy hơi, ợ nóng, bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, thiếu hụt chất dinh dưỡng (sắt, vitamin B12), rụng tóc. Dưới đây là 6 mẹo giúp tăng axit dạ dày cho người có nồng độ axit thấp, theo Medical News Today.
Bổ sung axit clohydric
Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc các tình trạng tiêu hóa làm giảm nồng độ axit trong dạ dày. Do khi già đi, dạ dày sản xuất ít pepsin hơn (một loại enzyme phân hủy protein và hỗ trợ tiêu hóa). Bổ sung axit HCL hoặc enzym pepsin giúp tăng nồng độ axit dạ dày.
Bạn có thể dùng các chất bổ sung enzym tiêu hóa có chứa pepsin hoặc uống men tiêu hóa bán sẵn tại các hiệu thuốc. Những loại này thường chứa axit HCL chiết xuất từ đu đủ và dứa, kích thích sản xuất axit dạ dày. Tuy nhiên, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung axit HCL.
Tăng lượng kẽm
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu có trong tế bào người. Dạ dày sử dụng kẽm để sản xuất axit HCL. Người không tiêu thụ đủ kẽm và kém hấp thu loại vi chất này thường có mức axit dạ dày thấp.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, người lớn nên tiêu thụ 8-11 mg kẽm mỗi ngày. Mọi người có thể tăng lượng kẽm thông qua thức ăn hoặc bổ sung kẽm. Một số thực phẩm giàu kẽm bạn có thể thêm vào chế độ ăn uống như hàu, tôm, thịt bò, các loại hạt và đậu, sữa chua...
Bổ sung men vi sinh
Men vi sinh (probiotics) hỗ trợ cân bằng lành mạnh vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Nó còn ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại và giúp tăng nồng độ axit trong dạ dày. Một số thực phẩm có chứa probiotics tự nhiên như sữa chua, pho mát, kim chi, các loại dưa muối khác, tempeh (tương nén làm bằng đậu lên men), thực phẩm lên men khác...
Ăn gừng
Gừng có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm viêm dạ dày do axit dạ dày thấp. Gừng cũng thường được sử dụng để điều trị buồn nôn, đau dạ dày và khó tiêu. Nó còn có thể kích thích sản xuất và bài tiết các enzym tiêu hóa cần thiết và tăng cường vận động qua ruột.
Hạn chế carbohydrate tinh chế
Chế độ ăn uống nhiều carbohydrate tinh chế (thực phẩm giàu tinh bột, nhiều đường và ít chất xơ) có thể dẫn đến viêm dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác. Dư thừa carbohydrate tinh chế và đường cũng có thể gây ra tình trạng viêm và phát triển quá mức nấm men trong dạ dày gây tiêu chảy, đầy hơi và táo bón.
Nhai kỹ
Nhai kỹ làm thức ăn nghiền nhỏ, làm cho quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn, cơ thể hấp thu dưỡng chất nhanh hơn. Người có các triệu chứng của axit dạ dày thấp thường khó khăn hơn trong tiêu hóa, do đó, cắt nhỏ và nhai kỹ thức ăn để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Người từ 60 tuổi trở lên có khả năng bị axit dạ dày thấp nhiều hơn. Các triệu chứng có thể tự biến mất và thường không quá hiểm. Nhưng nếu kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên gặp bác sĩ để điều trị. Khi có máu trong phân, nôn ói thường xuyên, giảm cân không chủ ý, đau hoặc khó nuốt, đau dạ dày liên tục, khó thở, đổ mồ hôi, vàng da... mọi người cần thăm khám sớm.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)