Ăn thức ăn giàu chất xơ, thực phẩm có nhiều lợi khuẩn (sữa chua, kimchi) có thể khuyến khích sức khỏe đường ruột, giảm và ngăn đầy hơi. Uống đủ nước cũng giúp ngăn ngừa táo bón và giữ nước. Dưới đây là 15 thực phẩm làm giảm đầy hơi theo Medical News Today.
Cam
Cam là nguồn cung cấp chất xơ và nước dồi dào, giúp ngăn giữ nước, thúc đẩy nhu động ruột đều đặn làm giảm đầy hơi. Cam cũng rất giàu vitamin C, có thể gia tăng sức khỏe của hệ vi sinh vật trong ruột.
Chuối
Chuối giàu chất xơ, kali có thể điều chỉnh lượng natri (muối) và ngăn ngừa giữ nước. Theo nghiên cứu của Đại học Harokopio (Hy Lạp), ăn chuối hàng ngày có thể thúc đẩy sự phát triển của một loạt lợi khuẩn đường ruột, góp phần giảm đầy hơi.
Dứa
Ngoài chứa nhiều chất xơ, dứa còn chứa các enzym gọi là bromelain. Enzym này thường được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị các vấn đề về tiêu hóa. Nước ép dứa cũng làm giảm viêm ở bệnh viêm ruột.
Quả mọng
Quả mọng (mâm xôi, dâu tây, việt quất...) chứa nhiều chất xơ, có lợi cho đường tiêu hóa. Quả mọng còn là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, có lợi khỏe đường ruột và giúp cải thiện chứng viêm do béo phì.
Đu đủ
Đu đủ thường được dùng như một phương thuốc tại nhà cho các vấn đề về tiêu hóa. Nghiên cứu của các nhà khoa học Áo chỉ ra, những người tham gia uống đu đủ xay trong 40 ngày ít bị táo bón và đầy hơi hơn so với những người dùng giả dược.
Cà chua
Cà chua có chứa prebiotics - một thành phần thực phẩm không thể tiêu hóa giúp thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của lợi khuẩn đường ruột. Prebiotics trong cà chua có lợi cho người bị bệnh Crohn, kém hấp thu và một số bệnh liên quan đầy hơi.
Đậu lăng
Giống như các loại đậu khác, đậu lăng rất giàu chất xơ, tinh bột kháng - một loại carbohydrate chống lại quá trình tiêu hóa góp phần vào tăng cường sức khỏe đường ruột.
Bông cải xanh
Bông cải xanh chứa nhiều chất xơ, có thể làm giảm đầy hơi, cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa. Chất hóa học trong thực phẩm này cũng giúp duy trì sức sống của hệ vi khuẩn đường ruột. Một chế độ ăn tăng cường bông cải xanh sẽ có khả năng chịu đựng các vấn đề tiêu hóa tốt hơn.
Cà rốt
Cà rốt giàu vitamin A, duy trì cân bằng trong ruột. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, bổ sung các nguồn vitamin A vào chế độ ăn uống làm tăng các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Cần tây
Cần tây chứa nhiều apigenin là một loại flavonoid (hợp chất chuyển hóa trung gian của thực vật) có tác dụng làm dịu các cơn đau liên quan đến các phản ứng viêm ở đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng... Nghiên cứu của Mỹ cho thấy, cần tây làm tăng sự phát triển và đa dạng của vi khuẩn đường ruột, cải thiện tiêu hóa.
Cải bó xôi
Cải bó xôi giàu chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ ngăn đầy hơi. Cải bó xôi còn làm tăng số lượng vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột là Lactobacillus.
Yến mạch
Yến mạch là ngũ cốc nguyên hạt chứa một lượng chất xơ dồi dào. Yến mạch cũng có một loại carbohydrate là beta-glucan, có thể giảm bớt viêm đại tràng, viêm ở ruột kết.
Thực phẩm lên men
Thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải bắp... chứa probiotics (men vi sinh), là những chủng vi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột. Thực phẩm phẩm có chứa men vi sinh có thể giảm triệu chứng hội chứng ruột kích thích như đầy hơi và chướng bụng.
Trà gừng
Trà gừng đã được dùng là một phương pháp phổ biến tại nhà khắc phục các chứng đầy hơi, táo bón, buồn nôn và vấn đề tiêu hóa khác. Hiện chưa có tác dụng phụ nào được biết đến khi uống trà gừng.
Trà bạc hà
Trà bạc hà cũng là một phương thuốc tại nhà cho những rắc rối về tiêu hóa. Trà này có thể giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích như đầy hơi, chướng bụng, táo bón...
Ngoài bổ sung các thực phẩm, mọi người nên thay đổi một số thói quen để ngăn ngừa đầy hơi. Ví dụ, tránh nói chuyện khi ăn uống, chia nhỏ bữa ăn, ăn chậm, tránh hoặc hạn chế đồ uống có ga, kẹo cao su và các chất làm ngọt nhân tạo (sorbitol, erythritol, mannitol...). Nếu chứng đầy hơi không thuyên giảm sau khi làm theo các cách trên, mọi người nên đi khám vì có thể gặp tình trạng chưa được chẩn đoán.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)