Dinh dưỡng tốt không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ kiểm soát cân nặng mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể. Dưới đây là những chất dinh dưỡng mà người tiểu đường nên bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Chất xơ
Có hai loại chất xơ gồm chất xơ hòa tan và không hòa tan. Loại hòa tan có trong trái cây, đậu và yến mạch giúp kiểm soát đường huyết bằng cách làm chậm tốc độ đường đi vào máu. Chất xơ không hòa tan có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy cảm giác no, có thể giúp kiểm soát cân nặng. Liều lượng chất xơ khuyến nghị mỗi ngày cho phụ nữ khoảng 25 g và 38 g với nam giới.
Vitamin D
Ngoài vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, sức khỏe của xương, vitamin D còn hỗ trợ quá trình chuyển hóa glucose và độ nhạy insulin. Lượng vitamin D thấp có liên quan đến giảm kiểm soát lượng đường trong máu, tăng nguy cơ tiểu đường.
Để ổn định và hỗ trợ chức năng điều hòa đường huyết, người bệnh nên hấp thụ đủ lượng vitamin D thông qua tiếp xúc ánh nắng mặt trời, ăn cá béo, nấm, trứng. Lượng vitamin D được khuyến nghị là 400-800 IU mỗi ngày hoặc 10-20 microgam (mcg) tùy thuộc vào độ tuổi.
Magiê
Magiê hỗ trợ kiểm soát độ nhạy insulin và chuyển hóa glucose. Thiếu dưỡng chất này có thể làm tăng nguy cơ kiểm soát đường huyết kém. Các loại hạt, rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều magiê. Lượng magiê được khuyến nghị mỗi ngày cho nam giới trưởng thành là 420 mg, nữ là 350 mg. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến liều lượng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe.
Crôm
Đây là khoáng chất vi lượng giúp tăng cường hoạt động của insulin, cần thiết để duy trì quá trình chuyển hóa glucose bình thường ở người bệnh tiểu đường. Bổ sung crôm cũng hỗ trợ giảm mức đường huyết lúc đói.
Nam giới 19-50 tuổi nên tiêu thụ 35 mcg mỗi ngày, từ 51 tuổi trở lên là 30 mcg. Phụ nữ 19-50 tuổi nên có 25 mcg mỗi ngày, từ 51 tuổi trở lên khoảng 20 mcg mỗi ngày. Đậu xanh, bông cải xanh, lúa mạch, yến mạch và hạnh nhân cung cấp crôm dồi dào.
Kẽm
Bổ sung lượng kẽm hỗ trợ sản xuất, tiết insulin, kiểm soát lượng đường trong máu. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt, hải sản có vỏ, các loại đậu, hạt. Người lớn nên bổ sung khoảng 15-30 mg kẽm mỗi ngày.
Kali
Kali điều chỉnh cân bằng chất lỏng, sự co cơ, tín hiệu thần kinh và kiểm soát huyết áp. Người bệnh tiểu đường có nguy cơ huyết áp cao hơn bình thường. Thực phẩm giàu kali bao gồm chuối, cam, cà chua và rau bina. Lượng kali khuyến nghị cho nam giới trưởng thành thường là 3.400 mg và 2.600 mg cho phụ nữ mỗi ngày.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |