Cà rốt có vị ngọt tự nhiên, ít tinh bột, cholesterol và chất béo bão hòa. Đây là thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều khoáng chất và vitamin tốt, đem đến nhiều lợi ích cho người bệnh tiểu đường.
Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng
Cà rốt cung cấp chất xơ, vitamin A, K1, kali, canxi, magiê, folate, beta carotene (tiền chất của vitamin A) và chất chống oxy hóa dồi dào. Những dưỡng chất này tham gia vào nhiều quá trình khác nhau trong cơ thể. Đây là nguồn carb lành mạnh, ít chất béo, tốt cho sức khỏe tổng thể.
Chất xơ hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Người bệnh tiểu đường nên tiêu thụ 20-35 g chất xơ mỗi ngày, từ rau củ quả. Cà rốt chứa 2,8 g chất xơ trong mỗi khẩu phần 100 g. Nó giúp no lâu, tăng cường độ nhạy insulin, giảm triệu chứng tiểu đường.
Chỉ số đường huyết thấp
Chỉ số đường huyết (GI) là thước đo đánh giá khả năng hấp thu và tăng glucose trong máu của thức ăn. Thực phẩm có GI cao làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn loại có chỉ số thấp. GI từ 55 trở xuống là thấp, 56-69 là trung bình, 70-100 là cao. Cà rốt sống thường có GI là 16, trong khi loại luộc dao động từ 32 đến 49.
Cung cấp carb lành mạnh
Kiểm soát mức đường huyết hoặc lượng đường trong máu là yếu tố quan trọng với người bệnh tiểu đường. Tổng lượng carbohydrate mà người bệnh tiêu thụ có thể ảnh hưởng đến đường huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người bệnh tiểu đường nên duy trì lượng carb trung bình khoảng 45% tổng lượng calo nạp vào mỗi ngày.
Các loại rau ít tinh bột như cà rốt là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. Một củ cà rốt sống vừa chứa khoảng 5,84 g carb, người bệnh có thể ăn chúng thường xuyên.
Tốt cho mắt
Người tiểu đường có nguy cơ gặp các biến chứng về mắt như tăng nhãn áp, giảm hoặc mất vĩnh viễn thị lực. Cà rốt rất giàu zeaxanthin và lutein, tăng cường sức khỏe mắt. Beta-carotene là loại sắc tố chủ yếu có trong rau củ quả màu cam, vàng. Chất chống oxy hóa này có trong sắc tố của mắt góp phần bảo vệ võng mạc khỏi bị hư hại. Beta-carotene còn giúp phòng bệnh võng mạc tiểu đường - biến chứng phổ biến do bệnh tiểu đường gây ra.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Cà rốt cũng chứa chất chống oxy hóa, chất xơ cùng các chất dinh dưỡng khác hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Chỉ số đường huyết trong cà rốt thấp nên người bệnh có thể ăn mỗi ngày. Các món phù hợp gồm ăn sống, làm gỏi rau củ, nấu canh. Hạn chế uống dạng nước ép vì đã loại bỏ hầu hết lượng chất xơ.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today, Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |