Ăn quá nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thể chất và tinh thần, ví dụ gây tăng cân quá mức, béo phì, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường... Ăn quá nhiều cũng làm phá vỡ các tín hiệu đói và no của cơ thể, khiến việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh trở nên khó khăn hơn. Do đó, mọi người cần kiểm soát bữa ăn, dinh dưỡng lành mạnh và bền vững hơn với 6 cách dưới đây.
Tránh ăn để giảm căng thẳng
Ăn uống khi đang căng thẳng là nguyên nhân phổ biến gây ăn nhiều. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm thần kinh nội tiết, cho thấy căng thẳng cấp tính làm tăng tiêu thụ thực phẩm ngọt, giàu chất béo ở phụ nữ, từ đó gây tăng cân. Mọi người nên bỏ thói quen này và tập các cách khác để kiểm soát căng thẳng, ví dụ tập thể dục, thiền, tập thở sâu.
Tăng thực phẩm gây no
Để tránh ăn quá nhiều và thúc đẩy giảm cân, mọi người nên ăn các thực phẩm giúp cảm thấy no lâu hơn, ví dụ thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu protein như thịt nạc, thịt gia cầm, cá, các loại đậu và các sản phẩm từ sữa có thể giúp kiềm chế cơn đói và giảm khả năng ăn quá nhiều.
Tránh xem tivi khi ăn
Xem tivi hoặc có hoạt động gây mất tập trung khác trong khi ăn sẽ khiến mọi người có thể tiêu thụ nhiều thức ăn hơn mức cơ thể thực sự cần. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal Appetite cho biết tập trung vào bữa ăn giúp giảm lượng thức ăn nạp vào và tăng sự thích thú với trải nghiệm ăn uống. Do đó, mỗi người hãy tạo thói quen ăn các bữa chính và đồ ăn nhẹ tại bàn ăn và không phân tâm, chú ý đến tín hiệu đói, no của cơ thể.
Không thức khuya
Thiếu ngủ ảnh hưởng đến hormone thèm ăn, dẫn đến cảm giác đói và thèm ăn tăng lên. Bởi lẽ thiếu ngủ làm tăng mức độ hormone đói ghrelin và giảm mức độ hormone no leptin. Sự mất cân bằng nội tiết tố này có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn các thực phẩm giàu calo và carbohydrate.
Uống đủ nước
Uống đủ lượng nước trong cả ngày rất quan trọng, nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể và cũng có thể giúp giảm ăn. Đôi khi, cơ thể nhầm lẫn cơn khát với cơn đói, khiến mọi người ăn vặt không cần thiết. Mọi người nên mang theo một chai nước bên mình để uống thường xuyên, uống nước trước bữa ăn cũng có thể giúp tạo cảm giác no, giảm ăn nhiều.
Theo dõi bữa ăn
Viết nhật ký ăn uống hoặc sử dụng ứng dụng di động để ghi lại các bữa ăn, đồ ăn nhẹ và cảm xúc khi ăn sẽ giúp tăng khả năng tự nhận thức và xác định tác nhân gây ăn quá nhiều. Mọi người cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hoặc nhà trị liệu để được tư vấn về dinh dưỡng, cân bằng giữa các khía cạnh ăn uống lành mạnh, sức khỏe thể chất và cảm xúc, từ đó kiểm soát thói quen ăn uống.
Chi Lê (Theo Healthshots)