Hệ thống nội tiết giúp lưu thông các hormone, thực hiện nhiều chức năng khác nhau trong ngày. Nội tiết tố ảnh hưởng đến hàng loạt các chức năng của cơ thể, nên một số thay đổi về nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Các triệu chứng mất cân bằng hormone sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian và có thể dẫn đến các vấn đề mạn tính khác.
Một số yếu tố dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố có thể kiểm soát được. Dưới đây là một số gợi ý thay đổi trong lối sống có thể giúp cải thiện sự cân bằng hormone.
Duy trì cân nặng vừa phải
Tăng cân có liên quan trực tiếp đến sự mất cân bằng nội tiết tố, có thể dẫn đến các biến chứng về độ nhạy insulin và sức khỏe sinh sản. Theo kết quả nghiên cứu đăng trên PubMed thuộc Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI), béo phì có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển tình trạng kháng insulin. Trong khi đó, giảm cân góp phần cải thiện tình trạng kháng insulin, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Béo phì cũng liên quan đến thiểu năng sinh dục, giảm hoặc không tiết hormone từ buồng trứng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, dung nạp lượng calo vừa phải có thể giúp duy trì sự cân bằng nội tiết tố và cân nặng vừa phải.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng khiến cơ thể giải phóng một loại hormone gọi là cortisol. Khi được giải phóng với hàm lượng cao hơn do căng thẳng, hormone này gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố. Điều này có thể dẫn đến các tình trạng như béo phì, giảm ham muốn tình dục, mất ngủ và mệt mỏi.
Tập thể dục giữ dáng
Chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý tốt cho sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Tập thể dục có thể cải thiện quá trình trao đổi chất trong cơ thể, đốt cháy calo dư thừa, từ đó, duy trì sự cân bằng nội tiết tố. Đây cũng là cách giúp giữ cho cân nặng ở mức lý tưởng.
Dinh dưỡng cân bằng và hợp lý
Chế độ ăn uống mất cân bằng và thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của cơ thể. Các bữa ăn hợp lý và đầy đủ dưỡng chất có thể điều chỉnh nội tiết tố cân bằng. Trong đó, các chất quan trọng bao gồm protein, sắt, vitamin và các chất dinh dưỡng đa lượng như carbohydrate, chất béo lành mạnh.
Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ thừa cân hoặc thiếu cân. Phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn có nguy cơ bị mất cân bằng nội tiết tố cao hơn. Chế độ ăn uống giúp duy trì chỉ số BMI khỏe mạnh, là cách phòng tránh rối loạn kinh nguyệt và không rụng trứng do mất cân bằng nội tiết tố.
Tránh mỹ phẩm có hàm lượng hóa chất cao
Hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) có thể xâm nhập vào cơ thể khi hấp thụ qua da. Những chất này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây dậy thì sớm, ung thư... Hàm lượng EDC có trong các sản phẩm mỹ phẩm đa phần đều thấp nhưng cũng có thể gây mất cân bằng nội tiết tố. Do đó, mọi người ưu tiên sử dụng các loại mỹ phẩm lành tính. EDC cũng có thể có trong không khí, đất và nước.
Kiểm soát hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng buồng trứng sản xuất một lượng lớn androgen (hormone sinh dục nam nhưng có lượng thấp hơn ở phụ nữ), gây mất cân bằng nội tiết tố. Phụ nữ mắc hội chứng này thường gặp vấn đề với việc thụ thai, cần theo dõi sát sao nồng độ hormone.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Health Shot)