Âm thanh khi thở phát ra tiếng khò khè thường do đường thở bị thu hẹp hoặc viêm. Đây có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Một số vấn đề chỉ tạm thời (như dị ứng), trong khi số khác có thể nghiêm trọng và cần được điều trị y tế.
Hen suyễn
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây thở khò khè là hen suyễn, tình trạng cổ họng hoặc đường dẫn khí đến phổi sưng hoặc hẹp. Bệnh còn làm tăng tiết chất nhầy, khiến khó thở hơn bình thường.
Bệnh về phổi
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bao gồm khí phế thũng (túi khí bị tổn thương trong phổi), viêm phế quản mạn tính (viêm phổi). Bệnh chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi và nguyên nhân do hút thuốc.
Xơ nang là bệnh ảnh hưởng đến tuyến ngoại tiết và có thể tích tụ chất lỏng trong phổi, gây thở khò khè. Viêm phế quản, viêm phổi hay virus hợp bào hô hấp (RSV) cũng có thể là nguyên nhân. Người ung thư phổi có thể gặp triệu chứng này.
Bất thường dây thanh âm
Rối loạn chức năng dây thanh âm là tình trạng dây thanh âm đóng mở không đúng cách, đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh hen suyễn. Một số triệu chứng có thể xảy ra như thở khò khè, ho, khó thở, tức ngực, đau cổ.
Rối loạn chức năng dây thanh âm có thể được điều trị bằng liệu pháp ngôn ngữ, bài tập thở hoặc khắc phục các nguyên nhân cơ bản khác.
Dị ứng
Dị ứng do các tác nhân như phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi, thức ăn có thể gây khó thở kèm theo thở khò khè. Sốc phản vệ (phản ứng dị ứng cấp tính và nghiêm trọng) cũng dẫn đến triệu chứng này. Đây là tình trạng y tế khẩn cấp, thường do dị ứng với nọc độc của côn trùng.
Người bị sốc phản vệ, có triệu chứng như chóng mặt, sưng lưỡi hoặc cổ họng, khó thở, cần được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Bệnh tim
Nguyên nhân thở khò khè hoặc cảm giác khó thở còn do bệnh suy tim sung huyết. Tiếng thở này thường do chất lỏng tràn vào, tích tụ trong phổi.
Vấn đề về tiêu hóa
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường liên quan đến bệnh hen suyễn. Trào ngược axit có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng hen suyễn do kích thích đường thở và phổi. Người mắc cả bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản có thể thở khò khè gia tăng khi trào ngược bùng phát.
Ngoài các bệnh lý trên, bất thường về cấu trúc như amidan, vòm họng phì đại, co thắt phế quản làm hẹp đường thở có thể là nguyên nhân.
Tránh các yếu tố nguy cơ, như hút thuốc, phấn hoa và chất gây dị ứng khác, góp phần cải thiện tình trạng. Bài tập thở sâu, uống trà nóng có tác dụng thư giãn đường thở, nhất là trà xanh có thể có đặc tính kháng khuẩn chống nhiễm trùng.
Máy tạo độ ẩm làm dịu đường thở, máy lọc không khí có bộ lọc HEPA giúp loại bỏ chất gây dị ứng trong nhà, giảm triệu chứng.
Bảo Bảo (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |