Hôi miệng thường xảy ra vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau khi ăn uống. Đây thường là dấu hiệu cho thấy cần đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Tuy nhiên, mùi dai dẳng từ miệng, ngay cả sau khi vệ sinh sạch sẽ có thể do một số bệnh lý tiềm ẩn.
Các vấn đề về tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay loét dạ dày có thể khiến hơi thở nặng mùi. Trào ngược dạ dày xảy ra khi axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, dẫn đến mùi và vị khó chịu trong miệng và hơi thở. Người mắc bệnh GERD có nhiều khả năng bị hôi miệng hơn so với người khỏe mạnh.
Nhiễm trùng ở hệ hô hấp
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản và viêm phổi có thể dẫn đến hôi miệng. Khi những bệnh nhiễm trùng này xảy ra, vi khuẩn sinh sôi trong đường hô hấp, tạo ra các hợp chất có mùi khó chịu được giải phóng qua hơi thở. Đôi khi mùi hôi cũng có thể bắt nguồn từ nồng độ hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC) trong miệng cao hơn ở người mắc bệnh này.
Tiểu đường
Bệnh tiểu đường là loại rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao, có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, bao gồm cả hôi miệng. Bệnh tiểu đường không thể kiểm soát khiến glucose cao, làm cho vi khuẩn có hại phát triển. Khi kết hợp với thức ăn, chúng tạo ra lớp màng dính gọi là mảng bám, có thể dẫn đến bệnh nướu răng kèm theo hơi thở nặng mùi.
Độ nhạy insulin giảm khiến các tế bào có thể không nhận được glucose cần thiết để tạo năng lượng. Khi điều này xảy ra, cơ thể bắt đầu đốt cháy chất béo thay vì carbohydrate, tạo ra các hợp chất gọi là ketone. Những hợp chất này có thể tích tụ trong máu, nước tiểu, tạo ra mùi hôi miệng. Một trong những ketone này là acetone và có thể khiến hơi thở có mùi giống như sơn móng tay.
Bệnh thận
Những người bị suy thận có thể bị hôi miệng. Khi thận bắt đầu suy yếu, cơ quan này không thể bài tiết chất chuyển hóa urê trong nước tiểu hiệu quả. Chất này tích tụ trong máu và nước bọt, được cơ thể chuyển hóa thành amoniac, gây ra vị đắng trong miệng kèm theo mùi khó chịu. Phát hiện sớm và quản lý các vấn đề về thận giúp khắc phục đáng kể hôi miệng.
Rối loạn chức năng gan
Rối loạn chức năng gan như xơ gan hoặc bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến hôi miệng do sự tích tụ độc tố trong cơ thể. Những độc tố này thường được chuyển hóa bởi gan nhưng cũng có nguy cơ tích tụ khi gan không hoạt động bình thường, dẫn đến hơi thở có mùi hôi.
Tăng methionin máu
Người mắc chứng rối loạn chuyển hóa di truyền này có đột biến ở gene MAT1A, GNMT hoặc AHCY. Bệnh khiến cơ thể không thể phân hủy một loại axit amin gọi là methionine trong máu. Kết quả là methionine tích tụ và tạo mùi hôi miệng giống như mùi bắp cải luộc.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |