BS.CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, bệnh tuyến giáp có thể được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống hợp lý, tránh chuyển biến nặng hoặc tái phát. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh tuyến giáp nên kiêng ăn hoặc dùng với lượng phù hợp.
Đậu nành
Đậu nành và các thực phẩm từ đậu nành như đậu hũ, nước tương, sữa đậu nành... không tốt cho người có bướu giáp, nhân giáp. Bởi trong đậu nành có chất goitrogens cản trở sự xâm nhập của iốt vào tuyến giáp khiến cổ phình to. Chất này còn làm giảm hấp thu thuốc tuyến giáp từ ruột. Phytoestrogen trong đậu nành có thể bắt chước tác dụng của estrogen can thiệp vào hoạt động bình thường của tuyến giáp. Chất isoflavone trong thực phẩm này cũng có thể gây hại cho sức khỏe tuyến giáp.
Đồ hộp, đồ đông lạnh và thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn không tốt cho người bệnh tuyến giáp vì chứa calo rỗng, một số chất phụ gia. Thức ăn nhanh cũng chứa lượng chất béo cao, khiến quá trình sản xuất thyroxin ở tuyến giáp bị chậm lại hoặc làm mất tác dụng của một số loại thuốc điều trị.
Các loại rau họ cải
Theo bác sĩ Hải, các loại rau họ cải như: bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, cải xoăn, củ cải, cải ngọt... chứa nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác có thể cản trở sản xuất hormone tuyến giáp, ngăn chặn khả năng sử dụng iốt của tuyến giáp. Tuy nhiên, người bệnh cần tiêu thụ một lượng đáng kể các loại rau họ cải để tác động đến sự hấp thụ iốt. Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc cả chứng suy giáp và thiếu iốt cần nấu chín các loại rau họ cải để làm giảm tác dụng của chúng đối với tuyến giáp. Mỗi ngày, người bệnh chỉ nên ăn khoảng 142 g.
Thực phẩm béo, đồ chiên
Chất béo có thể làm gián đoạn khả năng hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp của cơ thể, cản trở việc sản xuất hormone tuyến giáp. Do đó, người bệnh nên loại bỏ các loại thực phẩm chiên rán, giảm lượng chất béo từ các nguồn như: bơ, sốt mayonnaise, bơ thực vật, thịt mỡ.
Lúa mạch, lúa mì, mì ống
Bác sĩ Hải cho biết thêm, gluten được tìm thấy trong các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì, các loại ngũ cốc khác là thành phần chính trong các loại bánh mì, ngũ cốc, mì ống. Tuy nhiên, người bị suy giáp nên cân nhắc giảm lượng gluten nạp vào cơ thể. Với người bệnh celiac, chất gluten có thể gây kích ứng ruột non, cản trở sự hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Chế độ ăn không có gluten sẽ mang lại lợi ích cho phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp.
Nếu người bệnh tuyến giáp ăn thực phẩm chứa gluten nên chọn các loại bánh mì, mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt, có nhiều chất xơ, các chất dinh dưỡng khác để cải thiện đường ruột. Trường hợp người bệnh uống thuốc điều trị suy giáp cần ăn vài giờ trước hoặc sau khi ăn thực phẩm giàu chất xơ để ngăn hấp thụ hormone tuyến giáp tổng hợp.
Để phòng tránh nguy cơ bệnh tiến triển nặng, người bệnh nên thường xuyên đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường kiểm tra sức khỏe định kỳ, tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thăm khám định kỳ còn giúp bác sĩ tầm soát biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Mai Hoa