Hormone tuyến giáp giúp kiểm soát tốc độ trao đổi chất. Sự trao đổi chất càng nhanh, cơ thể càng đốt cháy nhiều calo hơn khi nghỉ ngơi. Trtong khi đó, những người bị suy giáp tạo ra ít hormone tuyến giáp hơn. Điều này có nghĩa quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn và đốt cháy ít calo hơn khi nghỉ ngơi.
Sự trao đổi chất chậm đi kèm với một số nguy cơ sức khỏe khác. Nó có thể khiến người bệnh mệt mỏi, tăng lượng cholesterol trong máu và khiến bạn khó giảm cân. Chế độ ăn uống có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe nhưng cần lựa chọn thực phẩm tốt cho tuyến giáp, tránh các chất khiến cho tình trạng này trầm trọng hơn.
Những chất có lợi và có hại
Một số chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe tuyến giáp như iốt, selen, kẽm,... tuy nhiên goitrogen thì lại có hại.
Iốt
Iốt là một khoáng chất thiết yếu cần thiết để tạo ra các hormone tuyến giáp. Do đó, những người thiếu iốt có thể có nguy cơ bị suy giáp. Nếu thiếu iốt, bạn có thể thêm muối iốt khi nấu nướng hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu chất này như rong biển, cá, sữa và trứng.
Bổ sung iốt là không cần thiết vì bạn có thể nhận iốt từ chế độ ăn uống. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hấp thụ quá nhiều khoáng chất này có thể gây hại cho tuyến giáp.
Selen
Selen giúp kích hoạt các hormone tuyến giáp để cơ thể có thể sử dụng chúng. Khoáng chất thiết yếu này cũng giúp chống oxy hóa, bảo vệ tuyến giáp khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do. Bạn có thể chọn thực phẩm giàu selen đưa vào chế độ ăn uống như cá ngừ, cá mòi, trứng và các loại đậu.
Tuy nhiên, người bệnh cần tránh dùng chất bổ sung selen trừ khi bác sĩ yêu cầu. Vì các chất bổ sung cung cấp liều lượng lớn selen có thể có hại.
Kẽm
Giống như selen, kẽm giúp cơ thể kích hoạt các hormone tuyến giáp. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kẽm có thể giúp cơ thể điều chỉnh TSH - hormone thông báo cho tuyến giáp tiết ra hormone tuyến giáp. Tình trạng thiếu kẽm rất hiếm ở các nước phát triển vì khoáng chất này có nhiều trong thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu bạn bị suy giáp thì nên cố gắng ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm như hàu và các động vật có vỏ khác, thịt bò, thịt gà.
Goitrogen
Một số chất dinh dưỡng có thể gây hại cho sức khỏe của những người bị suy giáp như goitrogen. Goitrogen gây rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp, có trong thực phẩm như đậu nành, đậu phụ, bắp cải, bông cải xanh, khoai lang, sắn, đào, dâu tây...
Thực phẩm cần tránh
Người bị suy giáp không phải tránh nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, các loại có chứa goitrogen nên ăn vừa phải và tốt nhất là nấu chín. Bạn có thể hạn chế thực phẩm đã qua chế biến vì chúng thường chứa nhiều calo, dễ gây tăng cân.
Người bị suy giáp nên tránh ăn hạt kê, thực phẩm chế biến nhiều xúc xích, bánh ngọt, bánh quy. Selen và iốt là cần thiết cho sức khỏe tuyến giáp nhưng nếu hấp thụ quá nhiều có thể gây hại. Người bệnh chỉ nên sử dụng các chất bổ sung selen và iốt nếu bác sĩ chỉ định.
Với thực phẩm chứa goitrogen, người suy giáp có thể ăn điều độ, hạn chế dùng số lượng nhiều. Các thực phẩm như đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ; một số loại trái cây gồm đào, lê và dâu tây.
Đồ uống như cà phê, trà xanh và rượu có thể kích thích tuyến giáp cũng nên dùng với liều lượng phù hợp.
Thực phẩm nên ăn
Có rất nhiều lựa chọn thực phẩm cho người bị suy giáp như:
Trứng: nhiều iốt và selen có trong lòng đỏ, trong khi lòng trắng chứa nhiều protein.
Thịt: tất cả các loại thịt, bao gồm thịt cừu, thịt bò, thịt gà...
Cá: tất cả các loại hải sản, bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá bơn, tôm...
Rau: tất cả các loại rau, trong đó, các loại rau họ cải đều có thể ăn được với lượng vừa phải, đặc biệt là khi nấu chín.
Trái cây: tất cả các loại trái cây khác, bao gồm quả mọng, chuối, cam, cà chua...
Các loại ngũ cốc và hạt không chứa gluten: gạo, kiều mạch, hạt quinoa, hạt chia và hạt lanh.
Sữa: sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa, pho mát, sữa chua...
Đồ uống: nước và đồ uống không chứa cafein khác
Những người bị suy giáp nên áp dụng chế độ ăn kiêng dựa trên rau, trái cây và thịt nạc có thể giúp ngăn ngừa tăng cân.
Thực đơn gợi ý cho người suy giáp
Dưới đây gợi ý thực đơn ngày cho bệnh suy giáp. Các loại thực phẩm này cung cấp một lượng chất đạm lành mạnh, chất bột đường từ thấp đến trung bình và có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng. Bên cạnh chế độ ăn, người bệnh cũng nên ống thuốc tuyến giáp ít nhất 1-2 giờ trước bữa ăn hoặc theo lời khuyên của bác sĩ.
Thực đơn 1
Bữa sáng: bánh mì nướng với trứng
Bữa trưa: salad gà với 2-3 quả hạch Brazil
Bữa tối: gà xào rau củ ăn kèm với cơm
Thực đơn 2
Bữa sáng: bột yến mạch với 1/4 cốc (31 gram) quả mọng
Bữa trưa: salad cá hồi nướng
Bữa tối: cá nướng với chanh, cỏ xạ hương và tiêu đen ăn kèm với rau hấp
Thực đơn 3
Bữa sáng: trứng, nấm và bí ngòi
Bữa trưa: salad cá ngừ và trứng luộc
Bữa tối: pizza Địa Trung Hải tự làm với nhân cà chua, ôliu và pho mát
Thực đơn 4
Bữa sáng: trứng tráng với nhiều loại rau khác nhau
Bữa trưa: salad quinoa với rau xanh và các loại hạt
Bữa tối: bít tết nướng với salad
Kim Uyên
(Theo Healthline)