Theo thạc sỹ, bác sĩ Trần Thị Hoài Thanh, Khoa Cơ xương khớp - BVĐK Tâm Anh Hà Nội, thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm lượng dịch khớp. Đây là quá trình xảy ra từ từ, mức độ nặng tăng dần theo thời gian với các biểu hiện như đau nhức, cứng khớp, khớp kêu lục cục, teo cơ, sưng tấy...
Trước đây, các bệnh lý thoái hóa khớp thường gặp ở người lớn tuổi nhưng gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa. Trong đó, các thói quen không tốt liên quan đến tư thế ngồi, tập luyện, ăn uống... chính là nguyên nhân khiến bệnh thoái hóa khớp đến nhanh hơn.
Ngồi không đúng tư thế: Thói quen ngồi một chỗ quá lâu, ngồi làm việc không đúng tư thế (ngồi lệch một bên, ngồi vắt chéo chân, ngồi xổm...) ngoài làm giảm tuần hoàn máu ở chân còn gây áp lực lên khớp gối, ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng, xương hông và khớp háng.
Bẻ khớp, vặn lưng: Rất nhiều người có thói quen bẻ các khớp ngón tay, vặn lưng khi mỏi mà không biết đây là một thói quen có hại cho xương khớp. Việc bẻ các khớp ngón tay một cách đột ngột có thể tạo ra những vi chấn thương lên sụn khớp, làm giãn dây chằng, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp. Trong khi đó, việc vặn lưng thường xuyên có thể khiến đĩa đệm ở giữa các đốt sống và dây thần kinh xương sống bị tổn thương.
Đi giày cao gót: Giày cao gót giúp ăn gian chiều cao, tôn dáng, bước đi trông uyển chuyển hơn. Tuy nhiên, khi mang giày cao gót, các cơ của cột sống thắt lưng, cơ mông, bắp chân và gân gót chân sẽ chịu một áp lực lớn, làm việc co thắt liên tục nên rất dễ đau mỏi. Ngoài ra, khi đi giày cao thì trọng lực cơ thể sẽ đổ dồn về phía trước, áp lực bàn chân trước cũng tăng lên, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các khớp.
Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn khiến cơ thể không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng xương khớp. Thêm vào đó, thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước ngọt có ga cũng làm ảnh hưởng đến sự hấp thu và vận chuyển của canxi vào trong bẹ xương, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp.
Luyện tập quá sức: Việc tập luyện với tần suất cao các môn thể thao như đá bóng, bóng chuyền, tennis... có thể gây áp lực lên khớp, làm tổn thương các cấu trúc trong khớp như sụn và xương dưới sụn, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp sớm.
Cách làm chậm quá trình thoái hóa khớp
Theo bác sĩ Hoài Thanh, để phòng tránh thoái hóa khớp sớm, giúp hệ xương khớp chắc khỏe, mọi người nên thay đổi những thói quen "xấu" trong sinh hoạt hằng ngày gây ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp. Kết hợp chăm sóc sức khỏe xương khớp từ sớm bằng các giải pháp khoa học.
Trước hết, nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, chú trọng thực phẩm giàu vitamin C, D, sắt, canxi, omega-3... Đồng thời, hạn chế rượu bia, đồ uống chứa caffein và bỏ hút thuốc lá. Luyện tập thể dục thể thao với tần suất phù hợp (khoảng 30 phút/ngày). Giữ cân nặng ở mức hợp lý, tránh tăng cân, béo phì để giảm áp lực lên các khớp xương.
Những bạn trẻ làm việc trong văn phòng, phải ngồi một tư thế trong thời gian dài cần thi thoảng đứng lên đi lại, vận động nhẹ, xen kẽ trong một buổi làm việc. Phái nữ nên hạn chế đi giày gót quá cao.
Đặc biệt, mỗi người có thể chủ động bổ sung những dưỡng chất có khả năng nuôi dưỡng sụn và xương dưới sụn, đã được khoa học nghiên cứu, kiểm chứng như: Collagen type 2 không biến tính có khả năng điều hòa miễn dịch, ức chế viêm, từ đó làm chậm quá trình hư hại của sụn khớp; Collagen Peptide giúp kích thích tế bào sụn sản xuất chất nền, tăng cường chất lượng dịch khớp; Eggshell Membrane (chiết xuất từ màng vỏ trứng) chứa những axit amin quan trọng, hỗ trợ tái tạo sụn khớp; Turmeric Root (chiết xuất từ nghệ) có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ bảo vệ dạ dày...
Ngoài ra, nếu đang có các bệnh lý xương khớp có sẵn, cần tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ. Mỗi người cũng cần khám sức khỏe xương khớp định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm để chủ động bảo dưỡng hệ cơ xương khớp chắc khỏe.
Trinh Ngô