Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp cơ thể duy trì hoạt động ổn định. Nhu cầu và thời gian ngủ của mỗi người thường không giống nhau, có thể thay đổi phụ thuộc vào lối sống, tuổi tác, thể trạng.
BS.CKI Trần Thanh Thúy, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trung bình người trưởng thành (18 tuổi trở lên) ngủ 7-9 giờ mỗi đêm. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều hơn mức này lâu ngày đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Mệt mỏi: Khi dành quá nhiều thời gian để ngủ, các hoạt động khác trong cơ thể có thể suy giảm, trong đó có quá trình trao đổi chất. Tình trạng này kéo dài khiến hệ miễn dịch yếu gây mệt mỏi, uể oải.
Đau đầu: Ngủ quá nhiều có thể khởi phát cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu. Nguyên nhân do thời gian ngủ kéo dài làm gián đoạn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh serotonin, đồng thời lưu lượng máu và oxy lên não giảm.
Đau nhức xương khớp: Nằm ngủ quá lâu gây co cứng cơ, giảm hiệu quả lưu thông máu trong cơ thể, dẫn đến đau lưng hoặc đau nhức xương khớp.
Tăng cân: Ngủ hơn thời gian khuyến cáo có thể khiến nhịp sinh học bình thường của cơ thể rối loạn. Nhịp sinh học của cơ thể ảnh hưởng đến nhiều hoạt động như sản xuất hormone, điều hòa nội tiết tố, hấp thu và trao đổi chất... Những rối loạn này dẫn đến tích tụ chất béo quá mức, gây tăng cân. Người thường ngủ nhiều cũng ít vận động, năng lượng tiêu hao ít dễ tích trữ chất béo và năng lượng dư thừa trong cơ thể.
Giảm trí nhớ và khả năng tập trung: Thức dậy sau giấc ngủ dài, nhiều người thường cảm thấy uể oải, lười vận động. Hoạt động trí não, phản xạ thần kinh kém hơn bình thường. Ngủ quá mức còn làm tăng tốc độ lão hóa của cơ thể nói chung và hệ thần kinh nói riêng, giảm trí nhớ, khả năng tập trung.
Bác sĩ Thúy lưu ý ngủ nhiều có thể do thói quen, lối sống nhưng cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh lý tiềm ẩn như rối loạn lo âu, trầm cảm, bệnh hô hấp, béo phì, tăng huyết áp... Người trưởng thành thường xuyên ngủ quá 7-9 giờ một đêm song luôn có cảm giác buồn ngủ nên đi khám và điều trị tại chuyên khoa Thần kinh.
Để xác định nguyên nhân, dựa trên kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp. Trong đó, đo đa ký giấc ngủ là kỹ thuật không xâm lấn, không gây đau và an toàn cho người bệnh, có thể áp dụng cho đa dạng người bệnh, kể cả trẻ em, thai phụ và người cao tuổi, theo bác sĩ Thúy.
Kết quả đo đa ký giấc ngủ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng giấc ngủ của người bệnh, chẩn đoán các bệnh lý thần kinh hoặc hô hấp gây rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, ngủ rũ, động kinh khi ngủ, mộng du... Tùy nguyên nhân, tình trạng bệnh và bệnh nền kèm theo, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, kích thích từ trường xuyên sọ, vệ sinh giấc ngủ, điều chỉnh dinh dưỡng, thói quen.
Bên cạnh đi khám, bác sĩ Thúy khuyến cáo người có biểu hiện ngủ nhiều hoặc rối loạn giấc ngủ nên vận động thể chất khoảng 30 phút mỗi ngày, ăn uống đủ chất và khoa học, uống nhiều nước, giúp cơ thể dẻo dai, tăng sức đề kháng, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bổ sung các hoạt chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) cũng hỗ trợ điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não. Sắp xếp thời gian học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để có thời gian thư giãn, tránh căng thẳng và lo âu.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |