Nhiều người sử dụng điều hòa trong ngày hè nóng nực để duy trì nhiệt độ mát mẻ so với thời tiết bên ngoài. Tuy nhiên, thiết bị này tạo ra không khí lạnh khô, làm khô màng nhầy trong mũi và họng, giảm khả năng ngăn chặn virus, vi khuẩn gây bệnh. Người sử dụng điều hòa liên tục trong thời gian dài dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, thậm chí còn làm nặng thêm bệnh lý hen ở trẻ nhỏ.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyên người sử dụng tránh 5 sai lầm dưới đây khi dùng điều hòa để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp.
Vào phòng lạnh ngay khi đi nắng về
Nếu bạn vừa đi từ bên ngoài về nên chờ khoảng 10-15 phút để cơ thể ổn định nhiệt độ rồi mới vào phòng điều hòa. Bạn có thể sử dụng quạt, đứng ở nơi có gió tự nhiên để làm mát cơ thể.
Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột từ lạnh sang nóng và ngược lại. Biểu hiện của tình trạng này là nhịp tim nhanh, đau đầu, đỏ mặt, buồn nôn, tức ngực, hoa mắt, lú lẫn, mê sảng, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Bật điều hòa dưới 20 độ C
Những ngày nắng nóng gần 40 độ C, nhiều gia đình có thói quen sử dụng điều hòa liên tục, để mức nhiệt dưới 20 độ C. Điều này làm giảm tuổi thọ thiết bị, tốn kém chi phí tiền điện. Người ở trong phòng điều hòa liên tục dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng... hoặc các bệnh về da.
Bác sĩ khuyến cáo cài đặt điều hòa ở mức 25-28 độ C, sử dụng kèm quạt điện để tăng độ mát trong phòng trong những ngày nắng nóng. Gió quạt đẩy khí lạnh đều khắp phòng. Những lúc trời mát mẻ có thể tắt điều hòa để thiết bị nghỉ ngơi.
Không mở cửa phòng trước và sau khi dùng điều hòa
Khi bật điều hòa, đóng cửa giúp hạn chế hơi lạnh thất thoát ra ngoài, tiết kiệm điện. Tuy nhiên, ở trong phòng kín quá lâu làm tăng cảm giác bí bách, khó thở, ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Để không khí lưu thông, tốt cho sức khỏe, các gia đình nên mở cửa phòng 15-30 phút trước và sau khi dùng điều hòa.
Không vệ sinh thiết bị
Quá trình làm mát không khí tạo ra nhiều hơi ẩm, nước ngưng tụ trong hệ thống màng lọc và ống dẫn nước thải của điều hòa. Nếu không được vệ sinh, môi trường ẩm ướt, bụi bặm trong bộ lọc là điều kiện lý tưởng cho virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh hô hấp và phát tán trong quá trình sử dụng. Người dùng nên vệ sinh điều hòa định kỳ để loại bỏ chúng ra khỏi thiết bị.
Không kiểm soát độ ẩm
Độ ẩm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chỉ số quá cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại phát triển, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, viêm đường hô hấp. Nếu độ ẩm quá thấp khiến cơ thể mất nước, khô niêm mạc đường thở, kích ứng đường hô hấp, gây ra ho, đau họng, khó thở... Người mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản mạn, phổi tắc nghẽn mạn tính... có thể bị khởi phát các đợt cấp nếu ở lâu trong môi trường không khí có độ ẩm không phù hợp.
Nên duy trì độ ẩm 30-50% để đảm bảo sức khỏe. Các gia đình nên sử dụng thêm thiết bị tạo ẩm khi sử dụng điều hòa để bổ sung thêm độ ẩm trong phòng. Uống đủ nước mỗi ngày giúp máu lưu thông tốt, chất độc được đào thải nhanh ra khỏi cơ thể.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |