Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có khoảng 300-500 loài vi sinh vật khác nhau tạo nên hệ vi sinh đường tiêu hóa, giúp phân hủy thức ăn.
Hệ vi sinh đường tiêu hóa mất cân bằng gây hại cho sức khỏe. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như chế độ dinh dưỡng không khoa học, ăn nhiều chất đạm, chất bột đường, thiếu chất xơ, ít sử dụng thực phẩm chứa lợi khuẩn.
Dưới đây là 5 nhóm thực phẩm nếu sử dụng quá nhiều không tốt cho sức khỏe đường ruột.
Thực phẩm chế biến sẵn gồm xúc xích, thịt nguội, đồ ăn đóng hộp, giăm bông, pizza, khoai tây chiên... chứa nhiều đường, muối, chất phụ gia, chất làm đặc, hương liệu, chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.
Những chất này có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật, tác động không tốt đến niêm mạc ruột. Nên hạn chế loại chế biến sẵn, thay vào đó tăng cường thực phẩm tươi sống như trái cây, rau củ, các loại hạt, thịt tươi.
Thực phẩm giàu chất béo như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa có nhiều trong các loại thịt như thịt heo, bò, gà, vịt, lòng đỏ trứng gà, thịt chế biến sẵn, đồ chiên xào, thức ăn nhanh.
Nạp quá nhiều nhóm thực phẩm này có thể tăng cholesterol xấu (LDL), làm chậm quá trình tiêu hóa dẫn đến đầy bụng, khó tiêu. Chất béo dư thừa còn làm tiết nhiều axit dạ dày, khó chịu, ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản.
Chất béo ảnh hưởng đến số lượng, sự đa dạng, phong phú của hệ vi khuẩn đường tiêu hóa. Bác sĩ Bích khuyên mọi người nên giảm tiêu thụ chất béo không lành mạnh, ăn nhiều chất béo tốt từ cá, dầu ô liu, dầu thực vật để cân bằng lượng axit béo, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Thực phẩm chứa nhiều chất làm ngọt nhân tạo như bánh kẹo, uống nước ngọt, trà sữa... có nguy cơ gây béo phì, huyết áp cao, tiểu đường nếu ăn nhiều. Chất làm ngọt nhân tạo tác động tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột. Môi trường chứa nhiều đường khiến vi khuẩn có hại sinh sôi, nảy nở, giảm vi khuẩn có lợi. Đường còn liên quan đến tình trạng viêm, kích ứng đường tiêu hóa.
Nên bổ sung lượng đường tùy vào cân nặng, giới tính. Ưu tiên đường tự nhiên có sẵn trong các loại thực phẩm chưa qua chế biến như sữa, trái cây, rau, ngũ cốc, mật ong.
Thịt đỏ nhiều chất béo bão hòa dễ làm mỡ máu cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột làm rối loạn đường tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thịt đỏ góp phần gây viêm. Các loại thịt đỏ chế biến sẵn như thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích làm tăng nguy cơ viêm đại tràng, dẫn đến ung thư. Người trưởng thành không nên ăn quá 300-500 g thịt đỏ mỗi tuần, chỉ nên ăn 1-2 lần.
Rượu bia là chất kích thích làm tăng tính axit của dạ dày, hại niêm mạc dạ dày. Khi rượu di chuyển đến ruột non ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tiêu hóa, ngăn chặn cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ruột non và ruột già cũng bị kích thích do rượu dẫn đến rối loạn đại tiện như tiêu lỏng, tiêu nhiều lần...
Uống rượu bia liên tục và thường xuyên tác động đến hàng rào ruột, tạo điều kiện vi khuẩn có hại vào cơ thể, gây viêm, hội chứng ruột kém hấp thu, không nạp được các chất dinh dưỡng có lợi. Thói quen ăn uống như ăn nhanh, không nhai kỹ, nằm ngay sau khi ăn... cũng tạo áp lực lên đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến lợi khuẩn và hoạt động hấp thu thức ăn.
Để tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa, bác sĩ Bích khuyên ngoài chế độ dinh dưỡng cân bằng, hạn chế thực phẩm có hại thì nên tăng cường thực phẩm tốt như rau xanh, trái cây, uống đủ nước, chất béo lành mạnh, thực phẩm giàu probiotic... Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần giúp tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh đường tiêu hóa.
Quyên Phan
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp. |