Vô sinh nam là khi nam giới không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào và đối phương không có vấn đề về sinh sản mà người nữ không thể mang thai sau 12 tháng quan hệ tình dục thường xuyên.
Thống kê cho thấy, khoảng hơn 80% các cặp vợ chồng có con nếu người nữ dưới 40 tuổi và quan hệ tình dục đều đặn, không dùng biện pháp bảo vệ trong vòng một năm. Các vấn đề về hiếm muộn cũng có thể là do nữ giới nhưng có khoảng 30% trường hợp nguyên nhân do vô sinh nam. Khoảng 25% các cặp vợ chồng không thể xác định được lý do tại sao họ không thể có con, trường hợp này gọi là vô sinh không rõ nguyên nhân.
Dưới đây là nhưng 5 nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây vô sinh nam:
Lối sống, thói quen thiếu lành mạnh
Béo phì: Tăng cân ở nam giới có liên quan đến suy giảm mức testosterone, chất lượng tinh trùng kém và giảm khả năng sinh sản so với nam giới có cân nặng khỏe mạnh. Ước tính, tăng 9 kg ở nam giới có thể tăng 10% tỷ lệ vô sinh. Chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng của nam giới là 20-25.
Hút thuốc: Hút thuốc dường như làm giảm khả năng thụ thai ở cả hai giới. Nam giới nên cố gắng bỏ thuốc nếu đang có thói quen hút thuốc để cải thiện cả về cơ hội thụ thai lẫn sức khỏe tổng thể..
Nhiệt độ bìu cao: Bộ phận bìu (tinh hoàn) là nơi chứa tinh trùng và nhiệt độ cao có thể gây hại cho tinh binh. Do đó, nam giới cần lưu ý những thói quen thường ngày khiến nhiệt độ vùng bìu tăng có thể làm giảm chất lượng, số lượng tinh trùng như: mặc đồ quá chật, bó sát, tắm nước quá nóng, tắm trong bồn nước nóng...
Uống nhiều rượu, chất kích thích: Rượu, chất kích thích vẫn được biết là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Sử dụng steroid đồng hóa, cần sa hoặc cocain có thể làm giảm đáng kể cơ hội có con ở nam giới.
Một số loại thuốc
Một số loại thuốc được kê đơn cũng có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của nam giới. Ví dụ các thuốc chẹn alpha, thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao, chất ức chế 5-alpha-reductase, thường được kê toa cho bệnh tuyến tiền liệt phì đại, điều trị rụng tóc hay một số thuốc chống trầm cảm.
Khi nghi ngờ tác hại của bất kỳ thuốc nào, bạn hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn thêm thông tin.
Các vấn đề về tinh trùng
Một nguyên nhân phổ biến của vô sinh nam là tinh dịch kém chất lượng (nồng độ tinh trùng thấp, không có tinh trùng, tinh trùng không di chuyển bình thường hoặc tinh trùng có hình dạng bất thường). Tinh trùng khỏe mạnh là điều cần thiết để duy trì khả năng sinh sản nam giới.
Để có thai, chỉ cần một tinh trùng và một trứng nhưng việc duy trì số lượng tinh trùng rất quan trọng. Khi người nam xuất tinh, tinh trùng sẽ di chuyển vào ống dẫn trứng, nếu càng có nhiều tinh trùng thì cơ hội để chúng tiếp cận và thụ tinh với trứng sẽ càng tăng lên.
Tinh dịch bình thường chứa khoảng từ 40 triệu đến 300 triệu tinh trùng trên mỗi ml. Tuy nhiên, chỉ cần từ hai mươi triệu tinh trùng trên mỗi ml là có đủ điều kiện để thụ thai nếu tinh trùng hoàn toàn khỏe mạnh. Dưới 20 triệu tinh trùng/ml được coi là thấp.
Số lượng tinh trùng cũng tác động không nhỏ đến tỷ lệ thành công trong việc sử dụng công nghệ sinh sản, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nếu đang có kế hoạch sinh con thì việc cải thiện số lượng tinh trùng có thể giúp tăng cơ hội thành công đáng kể.
Các vấn đề về tinh hoàn
Các vấn đề với tinh hoàn, nơi sản xuất và lưu trữ tinh trùng cũng có thể ảnh hưởng đến việc có con ở nam giới. Bao gồm các tình trạng: nhiễm trùng, ung thư tinh hoàn, phẫu thuật, tinh hoàn ẩn, chấn thương hoặc vấn đề bẩm sinh nào đó.
Đặc biệt, giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể liên quan đến các vấn đề sinh sản vì ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và duy trì chất lượng tinh trùng.
Nồng độ testosterone thấp
Một nguyên nhân hiếm muộn ít phổ biến hơn ở nam giới có liên quan đến lượng testosterone rất thấp. Đây là hormone sinh dục nam cần thiết để tạo ra tinh trùng. Nồng độ testosterone thấp được gọi là thiểu năng sinh dục và có thể là kết quả của việc sử dụng các loại chất gây nghiện như cần sa, cocaine và heroin, bị các khối u, một tình trạng gọi là hội chứng Klinefelter (tình trạng bé trai sinh ra có thêm một nhiễm sắc thể nữ).
Bảo Bảo (Theo Live Healthily, Healthline)