Vô sinh ảnh hưởng đến hàng triệu người trong độ tuổi sinh sản (từ 25 đến 34 tuổi) trên toàn thế giới. Một số lối sống dưới đây có thể là nguyên nhân dẫn đến giảm khả năng sinh ở một số người:
Không kiểm soát cân nặng
Béo phì hay người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố cần thiết cho khả năng sinh sản. Những phụ nữ thừa cân có thể gây ra tác động tới quá trình sản xuất trứng, chu kỳ kinh nguyệt không đều... ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Nhiều bằng chứng cũng cho thấy, tỷ lệ sẩy thai và các biến chứng khi mang thai tăng ở những phụ nữ có chỉ số BMI cao hơn. Bệnh buồng trứng đa nang có liên quan đến việc tăng cân quá mức và là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở phụ nữ.
Trong khi đó, ở nam giới, các vấn đề về tinh trùng như không có hoặc ít tinh trùng, hình dạng và chuyển động bất thường cũng được phát hiện gia tăng ở nam giới béo phì.
Lối sống thiếu khoa học
Những người hay phải thức đêm làm việc, tăng ca... có thời gian ngủ không đều, rối loạn giấc ngủ hoặc bị tâm lý căng thẳng và lo lắng ảnh hưởng đến nhịp đồng hồ sinh học khiến cơ thể bị rối loạn nội tiết sinh sản hay kinh nguyệt không đều ở nữ. Lối sống ít vận động, không tập thể dục thường xuyên cũng có thể là nguyên nhân gây béo phì, được coi là nguyên nhân dẫn tới vô sinh ở cả hai giới.
Thói quen ngồi làm việc nhiều giờ, mặc đồ lót chật, tiếp xúc với nhiệt độ quá cao... gây ảnh hưởng đến tinh trùng, đây cũng là yếu tố dẫn tới giảm chất lượng sinh sản ở nam.
Chế độ ăn uống không đủ chất
Chất lượng tinh trùng, trứng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thói quen ăn uống. Ăn nhiều thực phẩm đông lạnh, đóng gói chứa chất bảo quản, nhiều đường đồng thời ít chất xơ, trái cây và rau củ có thể gây hại cho sức khỏe sinh sản. Chúng có thể làm mất sự cân bằng hệ vi khuẩn trong âm đạo, điều rất cần thiết trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo, cổ tử cung và tử cung.
Phụ nữ ăn uống kém cũng có thể dẫn đến rối loạn chức năng rụng trứng và chậm kinh, có thể dẫn đến vô sinh. Ăn uống không điều độ cũng góp phần ảnh hưởng đến chỉ số BMI, chỉ số này quá cao (quá béo) hoặc thấp (quá gầy) đều không có lợi cho sức khỏe sinh sản.
Thiếu kiến thức sinh sản
Tình trạng thiếu giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục ở tuổi vị thành niên có thể làm phát triển các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây vô sinh có liên quan đến vấn đề về ống dẫn trứng không thể chữa khỏi.
Ngoài ra, việc thiếu kiến thức về sự rụng trứng, không quan hệ tình dục ở những thời điểm dễ thụ thai do ca làm việc thay đổi liên tục hoặc vợ chồng sống xa nhau trong thời gian dài cũng làm giảm cơ hội thụ thai.
Tiếp xúc với chất độc hại
Đây cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang ở nhiều phụ nữ, đồng thời làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Nhiều bé gái có kinh sớm hoặc dậy thì sớm trước 10 tuổi được cho là tác dụng phụ của việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí và chất độc gây hại có trong thực phẩm, đồ nhựa....
Hút thuốc và uống rượu
Thói quen nghiện hút thuốc, uống rượu cũng như tiếp xúc với các bức xạ điện từ từ các thiết bị điện tử có thể làm giảm đáng kể số lượng tinh trùng và làm hỏng DNA của tinh trùng.
Phụ nữ hút thuốc gây suy giảm dự trữ buồng trứng nhanh hơn, tình trạng số lượng nang trứng giảm và có thể dẫn đến mãn kinh sớm.
Một số nguyên nhân vô sinh liên quan đến lối sống bên trên đều có thể kiểm soát được. Điều quan trọng các cặp cần biết rằng vô sinh ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới như nhau. Các đôi trẻ nên nhận thức được những yếu tố gây nguy hiểm cho khả năng sinh sản của mình và tìm kiếm sự trợ giúp y tế khi kế hoạch mang thai chưa thành công sau một thời gian.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)