Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống trượt khỏi vị trí ban đầu, chèn ép tủy sống và các dây thần kinh. Đây là nguyên nhân gây đau lưng dưới, đau chân, đau thần kinh tọa. Bệnh thường gặp ở nhân viên văn phòng, công nhân, tài xế...
Nhân viên văn phòng
Nhóm này có đặc thù ngồi một chỗ nhiều giờ liên tục, không vận động nên dễ tăng cân, bụng to. Thói quen ngồi và nhìn vào màn hình máy tính cả ngày có thể làm đĩa đệm giữa các đốt sống tăng áp lực, dễ trượt ra ngoài.
Nhân viên văn phòng nên thực hiện bài tập giãn cơ cho vùng cổ, lưng ngay tại ghế làm việc. Sau mỗi tiếng, đứng dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng 5-10 phút.
Y tá, điều dưỡng
Y tá, điều dưỡng thường đứng trong ca làm. Di chuyển thiết bị y tế nặng hoặc thói quen cúi người để hỗ trợ các thủ thuật góp phần phát triển chấn thương lưng, cổ. Về lâu dài, tình trạng này gây thoát vị đĩa đệm. Trong thời gian giải lao, nên dành vài phút giãn cơ, cuộn vai, gập cổ và duỗi gân kheo.
Công nhân
Công nhân làm một số ngành nghề nâng vật nặng, cúi và vặn người cũng thuộc nhóm nguy cơ. Về lâu dài, các yếu tố này dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Để bảo vệ cột sống, người lao động nên yêu cầu hỗ trợ khi nâng vật nặng hơn 20 kg. Sử dụng bao tay bảo hộ giúp tạo độ bám.
Tài xế
Tài xế xe tải đường dài, lái taxi dễ đau lưng do ngồi ở một tư thế suốt nhiều giờ. Tài xế thường dùng bàn chân để điều khiển xe có thể khiến phần lưng dưới thiếu hỗ trợ. Lưng có thể chịu áp lực lớn nếu gồng người chở hàng hóa nặng. Cột sống chịu áp lực thời gian dài dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
Để phòng bệnh, tài xế nên nghỉ ngơi hợp lý, điều chỉnh ghế ngồi. Đảm bảo lưng thẳng, tay và chân thoải mái. Có thể kê một chiếc gối hoặc khăn cuộn nhỏ sau lưng. Nếu đau lưng, chườm túi đá hoặc túi nhiệt ở lưng hoặc cổ.
Vận động viên
Người thường xuyên chơi thể thao dễ gặp vấn đề về đĩa đệm do chấn thương hơn là thoái hóa. Các môn nguy cơ cao gồm thể dục dụng cụ, khúc côn cầu, bóng rổ, bóng đá, bơi lội, golf, tennis, cử tạ. Đây là những môn yêu cầu liên tục uốn, xoay lưng hay liên quan đến tải trọng lớn.
Khi có dấu hiệu bệnh, vận động viên nên dừng hoạt động thể thao và đi khám. Cơn đau thường hết sau 4-6 tuần khi nghỉ ngơi, dùng thuốc. Nếu đau kéo dài, trở nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Huyền My (Theo Mayo Clinic)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để được bác sĩ giải đáp.