Cột sống là phần quan trọng của cơ thể, giúp chịu lực và giữ cho cơ thể đứng thẳng, vững. Cột sống cũng chứa các yếu tố như tủy sống, các dây thần kinh ngoại biên chi phối chức năng hoạt động của nhiều cơ quan khác trên cơ thể.
Cột sống là cột trụ chính, tham gia vào mọi hoạt động hàng ngày của cơ thể nên rất dễ bị tổn thương do vận động quá sức, sai tư thế, tai nạn hoặc bệnh lý. Cột sống có độ cong tự nhiên nhưng hầu như mọi người có xu hướng đổ về phía trước, gây gù lưng và tăng áp lực lên cột sống. Nếu bạn hay bị đau lưng, hãy lưu ý 5 điều dưới đây hằng ngày để điều chỉnh lại tư thế cột sống, tránh làm tổn thương thêm.
Giãn cơ
Hãy dành ra vài phút mỗi sáng để giãn cơ, vì thói quen cơ bản có thể tạo ra tác động lớn đến các hoạt động khác trong ngày và cảm giác của cột sống. Sau một đêm nằm trên giường 7-9 tiếng, cơ thể rất cần vận động. Bắt đầu ngày mới bằng vài động tác xoay vai nhẹ nhàng, sau đó chuyển sang chạm ngón chân, đứng gập người về phía trước. Kết thúc bài tập nhanh bằng động tác kéo giãn hai cánh tay qua đầu.
Giảm thời gian xem thiết bị điện tử
Một người có thể nhìn, chạm, vuốt hoặc nhấp màn hình điện thoại thông minh nhiều lần mỗi ngày. Tư thế hướng đầu xuống khi sử dụng thiết bị điện tử có thể khiến đốt sống cổ phải chịu thêm nhiều trọng lượng cơ thể. Tạm dừng sử dụng điện thoại thông minh chỉ vài phút mỗi ngày có thể tạo ra sự khác biệt cho cột sống.
Chọn giày dép phù hợp
Đôi chân là nền móng cho toàn bộ cơ thể. Đi giày rộng hoặc không vừa có thể gây hại cho lưng dưới và cột sống. Hạn chế đi giày cao gót từ 7 cm trở lên, khiến bàn chân ở tư thế dốc xuống, trọng lượng cơ thể dồn nhiều về trước, bàn chân phải chịu áp lực lớn hơn bình thường. Ngoài những đôi giày đi ra ngoài, hãy cân nhắc cả giày dép đi trong nhà. Những đôi giày có đế cao su chống trượt hỗ trợ cho đôi chân.
Nghĩ trước khi ngồi
Nhiều người dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc hay xem tivi, ăn uống... Hãy đặt lời nhắc trên điện thoại để đứng dậy thường xuyên sau mỗi 30-45 phút. Cách ngồi cũng ảnh hưởng đến sức khỏe cột sống. Tư thế đúng là áp lưng sát ghế, với phần lưng dưới chạm đến mép ghế. Giữ cột sống thẳng, đảm bảo trọng lượng được phân bổ đều, không nghiêng sang một bên hay đổ về trước. Đặt bàn chân trên sàn, tránh bắt chéo chân.
Thực hành hít thở sâu
Cách hít thở sâu có liên quan đến cột sống. Khi ngồi hoặc khom lưng, cơ hoành bị co lại, tạo áp lực lên ngực khi bạn hít vào và thở ra. Nhưng khi đứng, bạn có thể thở qua cơ hoành, kéo dài và mở rộng cột sống, cho phép phần lưng trên và lưng dưới giãn ra.
Hít thở sâu hơn không chỉ quan trọng với cột sống mà còn đối với sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu cho thấy điều này có thể khiến tâm trạng thư giãn hơn, giảm căng thẳng và tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống.
Bệnh về cột sống rất dễ bị chẩn đoán nhầm do có triệu chứng đa dạng nhưng không điển hình. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường chỉ gây ra những cơn đau nhẹ làm người bệnh chủ quan. Do đó, mọi người nên chủ động điều chỉnh các thói quen sinh hoạt để bảo vệ cột sống và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như đau lưng, hạn chế vận động...
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |