Duy trì lối sống lành mạnh không chỉ giúp ngăn ngừa cơn gout tấn công mà còn có thể ngăn ngừa một số biến chứng kéo theo như bệnh thận và bệnh tim.
Dưới đây là 5 thay đổi về lối sống giúp phòng ngừa bệnh gout:
Hạn chế rượu và thực phẩm giàu purin
Khi bị gout, người bệnh nên tránh các loại thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, thịt nội tạng, hải sản có vỏ như trai, sò... Tăng cường bổ sung một số loại thực phẩm như quả anh đào, cà phê và thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp phòng ngừa các cơn gout cấp.
Ngoài ra, khi mắc bệnh gout cần hạn chế dung nạp đồ uống có cồn, đặc biệt là bia vì bia rất giàu purin có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ mất nước, khi đó, tần suất đi tiểu giảm sút sẽ làm giảm mức độ đào thải axit uric qua thận.
Giữ cơ thể đủ nước là điều quan trọng với người bệnh gout vì có thể giúp cơ thể loại bỏ axit uric, do đó nên tăng cường lượng nước bổ sung hàng ngày.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng có thể gây ra cơn gout cấp hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Nếu đang bị các cơn đau gout, việc giảm căng thẳng cũng có thể giúp bạn tập trung vào những thứ khác để quên bớt sự đau đớn.
Một số cách có thể giúp giảm bớt căng thẳng bao gồm: thư giãn, thiền và hít thở sâu hoặc thực hiện các hoạt động ưa thích...
Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh gout, ngoài ra, thói quen ăn uống quá nhiều gây thừa cân cũng có thể khiến bạn dung nạp những đồ ăn chứa hàm lượng axit uric cao. Nghiên cứu trên 14.000 người tại Mỹ cho thấy, những người thừa cân sẽ có nguy cơ tăng axit uric máu cao hơn 85% so với người có chỉ số khối cơ thể (BMI) hay cân nặng ở mức bình thường.
Báo cáo từ một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, khoảng 44% các trường hợp bị tăng axit uric máu có liên quan tới việc tăng cân quá mức. Nếu đã bị bệnh, việc giữ cân nặng hợp lý cũng có thể giúp ngăn ngừa cơn gout tái phát trong tương lai.
Tập thể dục thường xuyên
Duy trì hoạt động thể chất là yếu tố giúp duy trì lối sống lành mạnh và có thể ngăn ngừa cơn gout bùng phát. Bên cạnh các lợi ích với xương khớp như củng cố cơ bắp, việc tập thể dục với người bệnh gout còn giúp giảm cân (nếu bị béo phì, thừa cân) và kiểm soát căng thẳng hiệu quả. Đây đều là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn với bệnh gout.
Tuy nhiên, người bệnh đang bị cơn gout cấp nghiêm trọng không nên tập thể dục cho đến khi cơn đau và chứng viêm giảm bớt. Nếu mới duy trì thói quen tập thể dục hoặc đã lâu không tập thể dục, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách vận động.
Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
Cả nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc đều có lợi nếu bạn bị gout. Ngủ đủ giấc (khoảng 8 tiếng mỗi đêm) có thể giúp kiểm soát căng thẳng và duy trì sức khỏe tổng thể. Nghỉ ngơi đầy đủ cũng giúp giảm bớt các triệu chứng đau vì người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đi lại nhiều, để cho các khớp bị đau được nghỉ ngơi. Đây cũng là cách giúp bạn kiểm soát các triệu chứng tốt hơn.
Những lối sống trên có thể giúp kiểm soát gout tốt hơn nhưng bạn không nhất thiết phải thực hiện những thay đổi này cùng một lúc. Hãy dành thời gian để xem những thay đổi nào phù hợp nhất với bạn và để cơ thể dần thích nghi.
Bảo Bảo (Theo Practical Pain Management)