Thành phần dinh dưỡng của các loại hạt khá đa dạng. Trong đó, các loại hạt giàu chất béo như oleic axit, omega-3, DHA, EPA, DPA... rất tốt cho trí não và các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Đây là các axit béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được và cách cung cấp duy nhất là từ thực phẩm ăn hàng ngày.
Các loại hạt cũng chứa nhiều khoáng chất như phospho, kali, đồng, kẽm, selen và các chất chống viêm, chống oxy hóa... Chúng cần thiết trong việc ngăn chặn tiến triển bệnh lý thoái hóa thần kinh như Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ), Parkinson (rối loạn thần kinh vận động).
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương (Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome) gợi ý 5 loại hạt tốt cho trí nhớ dưới đây.
Hạt óc chó: Hạt óc chó rất giàu DHA, axit béo omega-3 (khoảng 2,5g omega-3 trong mỗi hạt óc chó), polyphenol (hợp chất tự nhiên có trong thực vật) và vitamin E. Chế độ ăn có thêm nhiều loạt hạt này cải thiện đáng kể kỹ năng học tập, làm việc và tăng cường trí nhớ; giảm sự lo lắng, căng thẳng.
DHA rất tốt cho não bộ của trẻ em và người lớn. Chế độ ăn cung cấp đủ DHA là một trong những biện pháp giảm suy thoái bộ não. Tỷ lệ % trong tổng số năng lượng khẩu phần omega-3 và omega-6 theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt như sau:
Nhóm tuổi hoặc tình trạng sinh lý | Tỷ lệ (%) trong tổng số năng lượng khẩu phần | |
omega-6 | omega -3 | |
Dưới một tuổi | 4,5 | 0,5 |
1-3 tuổi | 3 | 0,5 |
4-18 tuổi | 2 | 0,5 |
Phụ nữ trưởng thành | 2 | 0,5 |
Phụ nữ có thai và cho con bú | 2 | 0,5 |
Hạt hạnh nhân: Đây là loại hạt chứa hàm lượng vitamin E rất cao và có liên quan đến bảo vệ các tế bào thần kinh trước sự thoái hóa, giúp chống lại bệnh suy giảm trí nhớ, giảm nhận thức và khả năng ngôn ngữ ở người già (bệnh Alzheimer). Trong 100 g hạnh nhân cung cấp khoảng 23,6 mg vitamin E, rất dồi dào và tốt cho trí não.
Hạt lạc (đậu phộng): Đậu phộng có hàm lượng niacin cao (vitamin B3) là một trong những thành phần chính giúp phát triển và tồn tại của tế bào thần kinh. Các nghiên cứu cũng chứng minh vai trò quan trọng của niacin trong cải thiện các bệnh lý thần kinh.
Niacin cũng được biết đến với vai trò làm giảm LDL cholesterol (mỡ xấu) và tăng HDL cholesterol (mỡ tốt) có liên quan đến các bệnh lý rối loạn chuyển hóa lipid máu, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp... Trong 100 g đậu phộng có chứa khoảng 16 mg niacin.
Hạt phỉ: Đây là loại hạt của cây phỉ, một giống cây được trồng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bác sĩ Trà Phương lưu ý, tại Việt Nam hạt phỉ hay bị nhầm lẫn với hạt dẻ. Hạt phỉ thường được dùng làm nhân kẹo hoặc kết hợp với chocolate để làm bánh, dầu ăn. Loại hạt này giàu vitamin E, mangan, thiamin, folate và các axit béo không bão hòa.
Vitamin E có khả năng làm chậm suy giảm các tế bào thần kinh. Mangan cải thiện các hoạt động của não bộ liên quan đến nhận thức. Thiamin cũng đóng vai trò chính giúp hệ thần kinh khỏe mạnh, hoạt động tốt.
Hạt bí: Hạt bí giàu chất chống oxy hóa, nhiều magie hỗ trợ học tập và trí nhớ, giàu kẽm cần thiết cho tăng cường dẫn truyền các tín hiệu thần kinh và ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh.
Bảo Lam