ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Ngoại thần kinh cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, chấn thương cổ nhẹ thường tự khỏi khi người bệnh áp dụng đúng các biện pháp chăm sóc tại nhà như nghỉ ngơi, chườm đá, dùng thuốc giảm đau... Chấn thương nặng hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi cơn đau kéo dài hơn một tuần và có dấu hiệu tăng dần, hoặc triệu chứng xuất hiện sau khi gặp tai nạn lao động, giao thông, sinh hoạt.
Triệu chứng thường gặp nhất là cảm giác đau nhức ở vùng cổ, xuất hiện vài giờ hoặc vài ngày sau khi chấn thương. Người bệnh còn có thể bị căng cứng cổ, đau sau đầu. Nếu nghiêm trọng, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như đau khớp vai và cánh tay, giảm khả năng cử động, ù tai, khó nuốt.
Ngoài ra, tùy thuộc vào loại chấn thương vùng cổ sẽ có dấu hiệu đặc trưng khác nhau như:
Căng cơ cổ: Bất kỳ hoạt động nào buộc phải duy trì cổ ở tư thế không thoải mái trong thời gian dài đều có thể dẫn đến mỏi và co thắt, căng cơ cổ. Người bệnh khó khăn khi xoay hoặc nghiêng cổ, có thể kèm theo đau nhức đầu.
Tổn thương dây chằng vùng cổ: Cột sống cổ gồm 7 đốt sống nối với nhau bằng dây chằng và cơ. Khi đột ngột thay đổi chuyển động, cổ có thể bị uốn cong quá mức, làm giãn rách mô, tổn thương dây chằng hoặc cơ.
Thoát vị đĩa đệm cổ: Cột sống cổ là khu vực thường xuyên vận động và chịu áp lực lớn nên các đĩa đệm dễ bị tổn thương, thoát vị. Thoát vị đĩa đệm cổ xảy ra khi một hoặc nhiều đĩa đệm ở giữa các đốt sống cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép tủy sống và dây thần kinh trong ống sống. Điều này dẫn tới đau nhức cổ vai gáy và rối loạn cảm giác tại chỗ.
Chèn ép dây thần kinh: Dưới tác động của một số yếu tố, các dây thần kinh cổ bị chèn ép, gây nhức mỏi, tê bì, đau âm ỉ và ngứa ran ở vùng cổ vai gáy. Cơn đau có thể lan xuống vai, bả vai, cánh tay hoặc ngón tay (theo đường đi của rễ dây thần kinh). Người bệnh kém linh hoạt hơn, suy giảm khả năng vận động.
Gãy xương sống cổ: Xảy ra khi có một lực đáng kể tác động vào cổ, làm nứt vỡ đốt sống như tai nạn trong giao thông, sinh hoạt hoặc chấn thương thể thao. Người bệnh đau dữ dội tại thời điểm chấn thương. Đau có thể lan từ cổ đến vai hoặc cánh tay do đốt sống chèn ép các dây thần kinh. Người bệnh cũng có thể bị thâm tím hoặc sưng ở mặt sau cổ.
Bác sĩ Thắng cho biết người bị chấn thương vùng cổ có thể khó chịu ở cổ, tê liệt, đau đớn, nặng hơn là đau mạn tính, thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong do gãy đốt sống cổ, chấn thương tủy sống... Chấn thương có thể được phòng ngừa bằng cách kiểm soát tốt cân nặng, tập thể dục đều đặn, tăng cường sức mạnh cơ lưng và cơ lõi, sinh hoạt đúng tư thế, thận trọng khi vặn, xoay cổ. Chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng giúp xương chắc khỏe.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |