Hiểu về bệnh rõ hơn có thể giúp bạn phòng ngừa, giảm thiểu tác động hoặc điều trị chứng sa sút trí tuệ hiệu quả hơn. Dưới đây là 5 lầm thường phổ biến về tình trạng này, theo bà Amy McDonough, Giám đốc Chăm sóc bệnh mất trí nhớ tại United Active Living, Mỹ.
Sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer là một
Lầm tưởng phổ biến là sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer giống nhau và được sử dụng thay thế cho nhau. Sa sút trí tuệ gồm một nhóm các triệu chứng như suy giảm trí nhớ, ngôn ngữ, khả năng giải quyết vấn đề và các khả năng tư duy khác đủ nghiêm trọng để cản trở cuộc sống hàng ngày. Sa sút trí tuệ không phải là một căn bệnh cụ thể và có rất nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Mặc dù Alzheimer ảnh hưởng đến trí nhớ của người bệnh tương tự như chứng sa sút trí tuệ nhưng đây là một rối loạn thần kinh tiến triển. Căn bệnh này khiến não co lại và các tế bào não chết đi, ảnh hưởng đến trí nhớ, hành vi và các kỹ năng xã hội.
Tất cả người bệnh sa sút trí tuệ không thể hồi phục
Nhiều loại sa sút trí tuệ tiến triển thường không thể đảo ngược. Sa sút trí tuệ tiến triển gồm sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy, sa sút trí tuệ vùng trán và sa sút trí tuệ hỗn hợp (sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau).
Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây mất trí nhớ hoặc các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ có thể được đảo ngược khi điều trị. Chúng có thể bao gồm nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch, các vấn đề chuyển hóa và bất thường nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, tụ máu dưới màng cứng, cảm xúc rối loạn (căng thẳng, lo lắng, trầm cảm)... Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ nên thăm khám bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định các biểu hiện có phải là sa sút trí tuệ hay không.
Suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi là không bình thường
Suy giảm trí nhớ và kỹ năng nhận thức ở mức độ vừa phải do quá trình lão hóa là bình thương. Suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi tác thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đển cuộc sống hàng ngày. Các biểu hiện có thể bao gồm ra quyết định kém, quên ngày rồi nhớ lại sau đó, có khi không nhớ dùng từ nào hoặc mất đồ từ lúc nào không hay... Khi có các vấn đề về nhận thức, bạn nên xem xét các yếu tố bên ngoài (căng thẳng, thiếu ngủ...) có thể góp phần gây ra sa sút trí tuệ hay không. Nếu cảm thấy bất thường, bạn nên gặp bác sĩ để thăm khám.
Mất trí nhớ là dấu hiệu đầu tiên và duy nhất của sa sút trí tuệ
Nhiều người thường nghĩ dấu hiệu đầu tiên khi chẩn đoán sa sút trí tuệ là mất trí nhớ, nhất khi có tiền sử gia đình. Do đó, người lớn tuổi cho rằng, mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác là chứng sa sút trí tuệ mà không quan tâm đến các dấu hiệu tiềm ẩn khác.
Có một số dấu hiệu có liên quan như giảm tập trung, thay đổi tính cách hoặc hành vi, thờ ơ, trầm cảm hoặc mất khả năng làm các công việc hàng ngày... Bác sĩ có thể giúp bạn nhận diện chứng sa sút trí tuệ. Có hơn 40 bài kiểm tra nhận thức được sử dụng như bảng câu hỏi, bài kiểm tra nhận thức....
Những người bệnh sa sút trí tuệ đều giống nhau
Bạn có thể gặp hai người bằng tuổi, có cùng chẩn đoán và giai đoạn suy giảm nhận thức giống nhau nhưng các biểu hiện của họ có thể khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào tính cách của người bệnh, trải nghiệm sống. Việc đánh giá điểm chung của những người bệnh rất quan trọng. Tuy nhiên, bác sĩ, người chăm sóc phải nhận ra tính cách của mỗi người. Nếu không nguy cơ sa sút trí tuệ có thể tác động tiêu cực đến nội tâm của người bệnh và cuối cùng góp phần gây suy giảm sức khỏe tổng thể.
Kim Uyên
(Theo Eat This, Not That)