Ung thư tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Hầu như tất cả người bệnh ung thư khi được chẩn đoán đều có những phản ứng về cảm xúc, tâm lý. Mỗi giai đoạn bệnh, người bệnh sẽ có những cảm xúc khác nhau. Những cảm xúc này có thể tồn tại hoặc kéo dài suốt quá trình bệnh.
Theo bác sĩ tâm lý người Mỹ Elisabeth Kubler-Ross, 5 giai đoạn của đau buồn của ung thư thường được gọi là DABDA, viết tắt của từ chối - tức giận - mặc cả - trầm cảm - chấp nhận.
Từ chối: nhận được chẩn đoán ung thư có thể là trải nghiệm đau buồn, gây sốc cho người bệnh. Trải nghiệm này khiến người bệnh không tin, không chấp nhận được và có tâm lý từ chối sự thật. Đôi khi người bệnh tự lừa dối bản thân bằng cách giả vờ như việc này chưa xảy ra. Từ chối là một phản ứng phổ biến đối và là cảm xúc bình thường của những người mắc bệnh ung thư. Cảm xúc này thường mất dần theo thời gian và chuyển đối sang cảm xúc tức giận.
Sự tức giận: Sau cảm giác từ chối, người bệnh sẽ phản ứng giận dữ trước mối đe dọa sức khỏe này. Khi được chẩn đoán ung thư, tức giận có thể là một phần quan trọng, cung cấp cho người bệnh động lực để tìm cách điều trị, đánh bại ung thư. Một số cách bộc lộ cảm xúc tức giận được khuyến khích như hét to trong xe, viết nhật ký, dùng sức mạnh lên đồ vật...
Mặc cả: giai đoạn cảm xúc thứ 3 của bệnh ung thư liên quan đến sự hy vọng. Trong giai đoạn này, người bệnh tìm cách "sửa chữa". Họ lục tìm các phương pháp điều trị để làm sao khỏi bệnh và đưa cuộc sống quay trở về trước khi chẩn đoán. Mặc cảm và tội lỗi thường đi đôi với nhau. Bên cạnh việc tìm cách để khỏe mạnh, thoát khỏi chẩn đoán ung thư, người bệnh thường hay hối hận, mơ ước về thời điểm ở độ tuổi 20, 30 và đặt ra câu hỏi dặn vặt kiểu "giá như mình không làm việc ở đó tuổi 20, giá như mình tầm soát sớm hơn..."
Trầm cảm: trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến liên quan đến cảm giác buồn dai dẳng, mất niềm vui trong các hoạt động yêu thích trước đó. Trầm cảm khiến người bệnh mất năng lượng chiến đấu, dẫn đến những thay đổi trong cách ăn uống cũng như thói quen ngủ. Cứ 4 người mắc ung thư thì có một người bị trầm cảm. Khủng hoảng tâm lý này khiến việc điều trị ung thư khó khăn hơn. Các nghiên cứu cho thấy những người bị ung thư được điều trị trầm cảm, kết quả điều trị bệnh sẽ đáp ứng tốt hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn.
Chấp nhận: khi lần lượt trải qua các cảm giác tức giận, buồn bã, trầm cảm, người bệnh ung thư thường đối mặt với thực tế bệnh của mình. Cảm xúc chấp nhận thường có 2 mặt, thứ nhất là chấp nhận theo kiểu "rồi cũng sẽ xong thôi" tức là chấp thuận đi kèm với hy vọng tiếp tục điều trị và khỏi bệnh. Loại cảm xúc thứ hai là chấp nhận theo tâm lý buông xuôi, theo kiểu "tôi không thể làm gì được nữa".
Các nghiên cứu cho biết, vấn đề tâm lý có vai trò quan trọng trong kết quả điều trị ung thư. Người bệnh ung thư nếu biết giải quyết những lo lắng về sức khỏe tâm thần, có thể cải thiện một phần kết quả điều trị, giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tinh thần tốt giúp người bệnh giảm căng thẳng, kiểm soát huyết áp.
Một số mẹo người mắc ung thư có thể áp dụng để vượt qua khủng hoảng tâm lý, bao gồm: nhìn thẳng vào sự thật; bày tỏ cảm xúc với người thân đáng tin cậy, tìm kiếm cộng đồng, nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư; ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng; ngủ nhiều; tham gia vào các hoạt động thể chất phù hợp hoặc thử các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như thiền, chánh niệm, thở, yoga; tìm kiếm các trải nghiệm tích cực;
Đối với người thân, khi bạn bè, gia đình có thành viên bị chẩn đoán mắc ung thư, nên lắng nghe, chia sẻ với người bệnh; dành nhiều thời gian cho họ và cho họ nghỉ ngơi, chia sẻ những câu chuyện thú vị; chủ động tìm hiểu về loại ung thư của người thân và các phương pháp điều trị...
Anh Chi (Theo Very Well Health)