Phù não còn gọi là sưng não, xảy ra khi dịch bên trong não (dịch não tủy hoặc máu) bị ứ đọng hoặc tích tụ nhiều hơn mức bình thường, làm tăng thể tích não, gây ra hội chứng gia tăng áp lực nội sọ. Phù não có thể xảy ra cục bộ ở từng vùng tổ chức não hoặc lan tỏa toàn bộ não.
BS.CKI Lê Xuân Sang, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tùy trường hợp, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, co giật, nôn ói, mất thăng bằng, nói khó, nhìn đôi, tê yếu tay chân, mất ý thức, hôn mê, tử vong.
Phù não thường là biến chứng của các bệnh lý tại não như chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, nhiễm trùng não (viêm màng não, viêm não, áp xe não)... Một số bệnh lý toàn thân, bệnh liên quan đến quá trình vận chuyển các chất qua hàng rào máu não như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy gan, cũng có thể gây ra tình trạng này. Người sử dụng ma túy hoặc lạm dụng rượu bia, các chất kích thích thần kinh mạnh cũng có nguy cơ bị phù não.
Bác sĩ Sang chỉ ra một số loại phù não phổ biến.
Phù não nhiễm độc tế bào là hiện tượng tích tụ dịch bên trong các tế bào não bị chết hoặc hoại tử do thiếu oxy hoặc nhiễm độc. Đặc điểm phân biệt chính là từng tế bào não sưng tấy.
Phù não mô kẽ liên quan chủ yếu đến tình trạng não úng thủy. Dịch não tủy tích tụ nhiều trong não thất, khiến não thất phình to, làm tăng áp lực nội sọ.
Phù não vận mạch xảy ra khi hàng rào máu não (bao gồm các tế bào ngoại vi và tế bào hình sao liên kết với nhau bằng protein kết dính tạo ra liên kết chặt chẽ) gia tăng tính thấm hoặc bị phá vỡ. Tình trạng này gây thoát dịch từ các mao mạch vào nhu mô não. Tích tụ dịch ngoại bào làm thể tích não và áp lực nội sọ tăng, từ đó dẫn đến phù não.
Phù não thẩm thấu xảy ra do sự mất cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể, làm tăng ứ đọng dịch trong não.
Phù não thủy tĩnh xuất hiện do huyết áp động mạch tăng cao kịch phát, gây chênh lệch áp suất thủy tĩnh bên trong động mạch so với những tế bào nội mô. Khi đó, áp lực trong động mạch não có thể đẩy nước, glucose và ion vào nhu mô não quá mức dẫn đến phù não.
Theo bác sĩ Sang, một số nguyên nhân có thể kích hoạt xảy ra nhiều dạng phù não cùng lúc, điển hình như u não hoại tử có thể dẫn tới phù mô kẽ, sau đó gây phù nhiễm độc tế bào. Tình trạng chấn thương sọ não nghiêm trọng có thể dẫn đến phù nhiễm độc tế bào, phù vận mạch, phù thẩm thấu cùng xảy ra.
Để chẩn đoán dạng phù não và nguyên nhân, bác sĩ dựa trên kết quả khám lâm sàng, bệnh sử, có thể chỉ định kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu phù hợp như chụp CT 100.000 lát cắt, CT 1975 lát cắt hoặc 768 lát cắt, chụp MRI 1,5-3 Tesla, xét nghiệm dịch não tủy...
Tùy mỗi dạng phù não, nguyên nhân gây bệnh, mức độ tăng áp lực nội sọ, thể trạng và bệnh nền của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng các phương pháp như dùng thuốc, liệu pháp oxy, hạ thân nhiệt chỉ huy, phẫu thuật.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh phù não, bác sĩ Sang khuyến cáo mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần một năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ, điều trị ổn định các bệnh nền. Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động vừa sức, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày. Dùng mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, xe máy, chơi những môn thể thao va chạm nhiều hay trong lúc tham gia các hoạt động có nguy cơ bị té ngã, chấn thương đầu. Hạn chế rượu bia, không sử dụng ma túy hoặc chất kích thích cấm.
Khi có triệu chứng nghi ngờ phù não, người bệnh cần nhanh chóng đi khám và điều trị kịp thời tại bệnh viện có chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh, tránh để lâu nguy hiểm.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |