Theo đó, hệ thống CT 1975 lát cắt có tốc độ chụp 0,23 giây/độ phân giải thời gian 19,5 mili giây, phát hiện được các tổn thương nhỏ chỉ 0,23 mm. Từ đây, những mảng xơ vữa, cục máu đông, vị trí tắc hẹp, phình vỡ mạch máu não, khối u, các loại sỏi hay tổn thương nhỏ được phát hiện sớm. Phần mềm Smart Stroke và các giải pháp xử lý bằng AI cao cấp cũng giúp giảm thời gian chụp, xử lý ảnh, đọc kết quả.
TS.BS Hồ Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích với cơ chế hiện đại cùng nhiều tính năng khác, máy cung cấp hình ảnh chụp CT với độ chính xác cao, mô tả tốt hơn, xác định rõ ranh giới giữa tổn thương và mô lành, phát hiện được tổn thương nhỏ, chẩn đoán chính xác.
"Hệ thống Bệnh viện Tâm Anh là đơn vị y tế đầu tiên tại Đông Nam Á đặt mua máy CT Revolution Apex Elite của hãng GE HealthCare. Người dân có thể đăng ký khám, tư vấn để được chỉ định sử dụng theo nhu cầu", bác sĩ Phương nói.
Đánh giá về vai trò của hệ thống máy CT trong lĩnh vực điều trị đột quỵ, TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, chia sẻ đột quỵ diễn tiến rất nhanh. Trung bình mỗi giây đột quỵ trôi qua sẽ có 32.000 tế bào não chết; 59 giây trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não chết. Do đó, công tác điều trị khó khăn nhất là cấp cứu muộn, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.
Hệ thống CT 1975 lát cắt giúp xác định, đánh giá bệnh chỉ trong dưới 5 phút thay vì mất nhiều thời gian như trước đây. Việc này thúc đẩy tốc độ cấp cứu đột quỵ, giúp công tác điều trị đạt hiệu quả cao, tăng khả năng cứu sống và tốc độ hồi phục, giảm di chứng.
Bên cạnh đột quỵ, CT 1975 lát cắt còn hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh lý khác. Theo đó, phần mềm AI hỗ trợ phân biệt u gan lành tính và ác tính, phát hiện sớm ung thư phổi, đặc biệt hiệu quả cho những trường hợp hen suyễn, không thể nín thở. Tại tim mạch, máy giúp tưới máu toàn bộ tim và thu hình mạch vành chỉ trong một nhịp, thuận lợi cho những trường hợp nhịp tim nhanh và loạn nhịp, rung nhĩ. Hệ thống cũng trợ phát hiện hiệu quả vùng thiếu máu cơ tim hoặc vùng nhồi máu phổi.
Thông tin từ nhà sản xuất cho biết thế giới có 129 hệ thống chụp CT tương tự, được sử dụng tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... Việt Nam là nước sử dụng hệ thống thứ 130.
Sự kiện ra mắt hệ thống chụp CT 1975 lát cắt nằm trong khuôn khổ buổi lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn GE HealthCare (Mỹ) và Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, diễn ra ngày 15/5.
Theo thỏa thuận nói trên, hai đơn vị sẽ hợp tác thực hiện bốn nội dung chiến lược, bao gồm: đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, máy móc y tế hiện đại hàng đầu thế giới; đào tạo, làm chủ ứng dụng, thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho các bác sĩ; triển khai dự án nghiên cứu khoa học, tạo ra dữ liệu, chứng cứ lâm sàng, thu thập đánh giá chuyên môn từ Bệnh viện Tâm Anh, ứng dụng phát triển các thiết bị y tế hiện đại; tổ chức chuỗi hội thảo khoa học, cập nhật phương pháp, công nghệ mới trong khám chữa bệnh.
PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hợp tác với tập đoàn GE HealthCare sẽ giúp bệnh viện có cơ hội sở hữu sớm nhiều thiết bị, máy móc y tế hiện đại trên thế giới, từ đó phục vụ tốt nhất cho người dân. Việc này cũng phù hợp với xu thế công nghệ y tế trong nước, trong bối cảnh TP HCM hướng đến trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, công nghệ cao của khu vực.
Ông Vijay Subramaniam, Tổng Giám đốc mảng Sản phẩm chẩn đoán hình ảnh, GE HealthCare khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, cho biết công ty sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ y tế hàng đầu và đồng hành cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ bệnh viện Tâm Anh thông qua đào tạo, hội thảo khoa học nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện dịch vụ y tế.
Hiện nay, tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, AI đang được áp dụng trong nhiều quy trình chụp, sàng lọc tầm soát, chẩn đoán và theo dõi diễn tiến bệnh thông qua các kỹ thuật X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner), cộng hưởng từ (MRI). Ở một số lĩnh vực, AI hỗ trợ phẫu thuật, điều trị bệnh.
Văn Hà