Nghỉ Tết kéo dài với nhiều hoạt động vui chơi, lễ hội hoặc lịch trình di chuyển xa làm đảo lộn giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi, chế độ ăn uống, dễ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng. Từ đó khả năng hoạt động trí não suy giảm, gây mất tập trung, ảnh hưởng tinh thần.
BS.CKI Nghiêm Bảo Thị Hạnh Linh, Đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết suy giảm trí nhớ hoặc tinh thần không minh mẫn kéo dài có thể là triệu chứng của các bệnh như sa sút trí tuệ, Alzheimer, trầm cảm, đột quỵ, u não... Người bệnh nên khám tại chuyên khoa thần kinh hoặc nội tổng hợp, tránh để lâu nguy hiểm.
Bác sĩ Linh gợi ý một số biện pháp hỗ trợ trí não, tăng khả năng tập trung.
Ngủ đủ giấc
Mất ngủ, thiếu ngủ gây căng thẳng, đau đầu, giảm khả năng hoạt động của não. Mỗi người nên ngủ đủ giấc, người trưởng thành ngủ 7-8 giờ mỗi đêm để hệ thần kinh khỏe mạnh, cải thiện tập trung.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng quá mức khiến hàm lượng hormone cortisol tăng, gây xói mòn hoạt động tế bào thần kinh ở hồi hải mã. Đây là bộ phận nằm trong thùy thái dương của não, có chức năng lưu trữ ký ức và định hình nhận thức.
Trở lại học tập, làm việc sau Tết, mỗi người nên nhanh chóng ổn định giờ giấc theo thói quen sinh hoạt hàng ngày. Nghe nhạc, xem phim, đọc sách, đi dạo hoặc áp dụng các liệu pháp như yoga, ngồi thiền, massage, xông hơi, ngâm chân nước nóng... để thư giãn, tránh áp lực, căng thẳng quá mức.
Rèn luyện trí não
Duy trì hoạt động trí não ở mức vừa phải thúc đẩy tuyến thượng thận tăng tiết hormone cortisol với hàm lượng vừa đủ (cao quá hoặc thấp quá đều bất lợi cho tế bào thần kinh), hỗ trợ cải thiện trí nhớ, tư duy, tăng mức độ tập trung.
Một số bài tập rèn luyện trí não hoặc trò chơi phù hợp như giải câu đố, chơi game phán đoán như đuổi hình bắt chữ, giải mã khối rubik, đánh cờ vua hoặc cờ tướng... Các hoạt động này kích thích não bộ làm việc, có lợi cho não.
Tập thể dục vừa sức
Theo bác sĩ Linh, người trưởng thành nên rèn luyện thể chất, tránh ngồi lâu một chỗ hoặc ở yên trong phòng. Các bài tập vận động phù hợp hoặc tập thể dục vừa sức, tối thiểu 150 phút mỗi tuần hoặc theo chỉ định của bác sĩ có lợi cho sức khỏe thể chất, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng, giảm cân, tăng tuần hoàn máu lên não.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Bổ sung đầy đủ và cân bằng các nhóm dưỡng chất như bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Đồng thời, tăng thực phẩm giàu axit béo omega-3 góp phần xây dựng nên cấu trúc của màng tế bào, củng cố vỏ myelin. Đây là lớp vỏ bao quanh trục tế bào thần kinh, giúp tế bào thần kinh kết nối với nhau nhanh và hiệu quả hơn, cải thiện trí nhớ.
Thực phẩm chứa vitamin A, B, C, D, E, K... có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ tế bào thần kinh và não bộ trước sự tấn công của các gốc tự do, giảm đau đầu căng thẳng. Vitamin B9 và B12 còn có tác dụng tăng nồng độ axit amin homocysteine, hỗ trợ ngăn nguy cơ trầm cảm. Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa flavonoid góp phần bảo vệ tế bào thần kinh trước sự tấn công của gốc tự do, giảm viêm dây thần kinh, hỗ trợ trí nhớ và nhận thức.
Bác sĩ Hạnh Linh cho biết thêm khoảng 75% trọng lượng não bộ là nước. Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày thúc đẩy loại bỏ độc tố và chất thải, tăng cường tập trung. Người trưởng thành có thể bổ sung thêm tinh chất thiên nhiên như blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả) hỗ trợ điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não, giảm mất ngủ, căng thẳng và đau đầu, tập trung tốt hơn.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |