Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi đường hô hấp dưới gây viêm ở một hoặc cả 2 phổi. Tình trạng này giống như cúm, khiến các phế nang chứa đầy chất lỏng, dịch và mủ. Triệu chứng của viêm phổi có thể kéo dài hàng tuần, gây hô hấp suy giảm. Không có cách nào ngăn ngừa bệnh viêm phổi 100%, nhưng có những biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Tiêm vaccine: Vaccine giúp ngăn ngừa viêm phổi bằng cách tăng khả năng miễn dịch, chống lại một số vi khuẩn và virus gây bệnh thông thường. Một số loại vaccine có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi, bao gồm vaccine Covid-19, haemophilus influenzae loại b (Hib), cúm, vaccine sởi, vaccine ho gà, phế cầu khuẩn, thủy đậu
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị trẻ sơ sinh, dưới 2 tuổi nên tiêm 4 liều vaccine viêm phổi khi được 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng và sau đó tiêm nhắc lại trong khoảng 12-15 tháng; người lớn trên 65 tuổi nên tiêm vaccine phế cầu khuẩn.
Thực hành vệ sinh đúng cách: Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp là thực hành vệ sinh đúng cách. Một số kỹ thuật hữu ích bao gồm: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các bề mặt nghi ngờ chứa vi khuẩn; làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên có nhiều người tiếp xúc; che miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho và hắt hơi; chăm sóc tốt các tình trạng y tế, chẳng hạn như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim...
Tránh tiếp xúc với người ốm: Hầu hết các bệnh về đường hô hấp đều lây qua các hạt nhỏ trong không khí, bề mặt chung nơi công cộng. Việc bạn tránh tiếp xúc với người bị bệnh là một bước giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi có thể xảy ra.
Không hút thuốc hoặc lạm dụng rượu: Hợp chất độc hại trong thuốc lá có thể làm tổn thương hệ thống miễn dịch, làm giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể khỏi các sinh vật gây bệnh. Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ nhập viện, rượu làm hỏng các đại thực bào phế nang. Phơi nhiễm rượu mạn tính gây cản trở chức năng của đại thực bào phế nang, khiến phổi dễ bị nhiễm trùng.
Duy trì sức khỏe tổng thể tốt: Người bệnh đang gặp các bệnh không lây nhiễm và các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn so với người bình thường. Do vậy, để ngăn ngừa viêm phổi cũng như tình trạng bệnh diễn biến xấu, mỗi người nên kết hợp tiêm chủng, nghỉ ngơi với ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, thăm khám định kỳ.
Thực hành thói quen lành mạnh, gồm nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm tiếp xúc với hóa chất độc hại... cũng góp phần ngăn ngừa viêm phổi.
Anh Chi (Theo Very Well Health, Healthline)