Các triệu chứng của nhiễm trùng bàn chân tiểu đường tương tự như bất kỳ bệnh nhiễm trùng khác. Khu vực xung quanh vết thương đỏ lên, lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu. Người bị nhiễm trùng bàn chân tiểu đường sẽ đau, nhạy cảm tại vị trí vết thương, vết thương ban đầu chảy mủ. Nhiễm trùng phát triển sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, hụt hơi, nghẹt mũi, cổ cứng, xuất hiện vết loét mới.
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết người nhiễm trùng bàn chân tiểu đường có thể nhận thấy mô đen gọi là vảy bao quanh vết loét. Tình trạng này hình thành trong trường hợp thiếu máu đến nuôi. Hoại tử một phần hoặc toàn bộ xuất hiện xung quanh vết loét, tạo ra dịch tiết, đau và tê. Hầu hết người bệnh không nhận ra nguy hiểm cho đến khi vết thương bị nhiễm trùng.
Bác sĩ đưa ra chẩn đoán nhiễm trùng bàn chân tiểu đường sau khi khám, xét nghiệm về các dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ như: sưng tấy, tiết dịch, các dấu hiệu toàn thân, sốt... Bác sĩ sẽ loại bỏ bất kỳ mô hoại tử hiện có, làm sạch vết thương. Bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến trung tâm xét nghiệm để xác định loại vi khuẩn, vi trùng nào đã "tấn công", chỉ định loại kháng sinh phù hợp. Nếu bác sĩ nghi ngờ tình trạng nhiễm trùng này nghiêm trọng sẽ yêu cầu chụp X-quang, tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng xương.
Tỷ lệ nhiễm trùng bàn chân tiểu đường phổ biến hơn ở người bệnh cao tuổi, mắc kèm các bệnh khác. Cả nam và nữ đều ảnh hưởng như nhau. Nguy cơ tử vong cao hơn ở những người bệnh viêm tủy xương mạn tính hay nhiễm trùng mô mềm hoại tử cấp tính, các vấn đề tiềm ẩn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Do đó, người bệnh cần điều trị nhiễm trùng bàn chân tiểu đường sớm. Bác sĩ Nguyên Duy chia sẻ thêm về các cách điều trị nhiễm trùng bàn chân bao gồm:
Dùng kháng sinh: Hầu hết các bệnh nhiễm trùng điều trị bằng kháng sinh. Thời gian điều trị bằng kháng sinh thường từ 2-4 tuần. Người bị viêm tủy xương cần ít nhất 6 tuần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh được kê thuốc kháng sinh tiểu cầu, thuốc chống đông máu khi tình trạng nhiễm trùng tiến triển. Nếu vết thương không được bác sĩ điều trị, nhiễm trùng sẽ lan rộng, gây đau, khó chịu, hoại tử, thậm chí trường hợp xấu nhất phải cắt cụt chi.
Điều trị cơ bản: Trước khi kê đơn điều trị nhiễm trùng bàn chân tiểu đường. Bác sĩ sẽ thực hiện các bước vệ sinh, điều trị cơ bản trước gồm: làm sạch vết thương và khu vực xung quanh, loại bỏ vết loét ở chân, loại bỏ da chết hoặc các dị vật tiềm ẩn, băng vết thương.
Liệu pháp oxy cao áp: Liệu pháp này có thể ngăn cắt cụt chi. Oxy cao áp giúp người bệnh tăng cường cung cấp oxy cho các mô thiếu máu cục bộ hoặc thiếu oxy, tăng cường tiêu diệt vi khuẩn qua trung gian tế bào bạch cầu, hình thành mạch, tăng tổng hợp collagen, tăng trưởng nguyên bào sợi, giảm phù nề.
Mang các vật dụng hỗ trợ: Người bệnh tiểu đường có thể được mang giày, bó bột, sử dụng băng ép, miếng lót giày được thiết kế riêng cho từng cá thể để ngăn vết chai. Sự hiện diện của vết chai làm tăng khả năng hình thành vết loét gấp 11 lần.
Phẫu thuật cắt lọc: Trong một số trường hợp, người bệnh được phẫu thuật để điều trị vết loét. Những trường hợp nghiêm trọng cần phải cắt cụt chi để loại bỏ vùng da bị hoại tử, ngăn vết nhiễm trùng lan sang các bộ phận khác.
Bác sĩ Nguyên Duy khuyên người bệnh tiểu đường nên kiểm tra bàn chân thường xuyên hàng ngày, chẳng hạn như ngay sau khi đánh răng buổi tối để bảo vệ chân tốt hơn. Người bệnh nên rửa chân thường xuyên, sử dụng kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa nứt da, mang giày thoải mái, không đi chân trần và vớ chật vì làm tăng nguy cơ chấn thương, cắt móng tay thường xuyên, tránh nhiệt độ quá cao.
Nếu người bệnh thấy bàn chân không lành được khi điều trị tại nhà thì nên đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám, xử lý nhiễm trùng càng sớm.
Quỳnh Dung