Phổi cung cấp oxy cho cơ thể, loại bỏ carbon dioxide. Một số thay đổi trong lối sống dưới đây góp phần phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn...
Kiểm tra radon trong nhà
Radon là loại khí phóng xạ có thể thấm vào nhà từ mặt đất, nhất là ở những khu vực có hàm lượng radon trong đất cao. Tiếp xúc kéo dài với radon tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Khí radon không có mùi nên gia đình có thể mua bộ dụng cụ kiểm tra. Nếu phát hiện lượng radon cao trong không gian sống hãy tham khảo ý kiến chuyên gia.
Thực hiện bài tập thở
Tập thở là cách tốt để cải thiện dung tích phổi, giúp tâm trạng thoải mái. Những bài tập này rất hữu ích cho người mắc bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc nhiễm trùng phổi.
Bạn có thể tập thở bằng cơ hoành để cải thiện lượng khí hít vào và thở ra. Để thực hiện, bạn nằm xuống hoặc ngồi thoải mái. Sau đó đặt một tay lên bụng và một tay lên ngực, hít sâu bằng mũi, cảm thấy bụng phồng lên, thở ra từ từ qua môi mím lại, bụng xẹp xuống. Người tập thực hiện động tác này trong nhiều lần, tùy vào thể trạng và thời gian.
Thở mím môi giúp thở chậm và duy trì đường thở thông thoáng. Người tập hít vào từ từ qua mũi, sau đó thở ra nhẹ nhàng qua đôi môi mím lại như thể đang thổi tắt một ngọn nến.
Bổ sung omega-3
Axit béo omega-3 mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe phổi và tim. Chúng có tác dụng làm giảm viêm ở đường thở, tăng dung tích phổi và cải thiện nhịp thở. Cá, quả hạch, các loại hạt, trứng, đậu, bơ, dầu thực vật giàu chất béo omega-3.
Thực hành vệ sinh tốt
Thực hành vệ sinh tốt làm giảm sự lây lan của vi trùng có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp và bảo vệ phổi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị mỗi người cần rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng, nước. Che mũi và miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi hắt hơi hoặc ho. Gia đình làm sạch các bề mặt thường xuyên chạm vào. Đeo khẩu trang khi ở gần người bệnh hoặc đến nơi đông người.
Tầm soát ung thư phổi
Ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Chủ động khám sức khỏe định kỳ giúp tầm soát nguy cơ mắc bệnh. Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao như thường xuyên hút thuốc, có dấu hiệu cảnh báo chức năng phổi không tốt (khó thở, ngạt thở, hắt hơi, ho khan...). Người thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm và hóa chất độc hại, từng xạ trị vùng ngực, có người thân mắc ung thư phổi nên tầm soát bệnh thường xuyên.
Lê Nguyễn (Theo Health)