Giai đoạn tiền mãn kinh và sau mãn kinh, lượng estrogen trong cơ thể giảm mạnh. Thay đổi liên quan đến lão hóa ở phụ nữ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh.
Bệnh tim
Bệnh tim là một trong những bệnh thường gặp ở phụ nữ mãn kinh. Estrogen hỗ trợ duy trì lưu thông máu, khi nồng độ giảm làm dày thành động mạch khiến tim dễ tổn thương.
Để phòng bệnh tim, nên có lối sống lành mạnh như ăn nhiều rau, ít thịt đỏ và đường, tập thể dục khoảng 150 phút mỗi tuần, không hút thuốc lá. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), phụ nữ nên kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu, cholesterol - yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh xơ vữa động mạch.
Loãng xương
Loãng xương khiến xương mỏng, yếu và dễ gãy hơn. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới do suy giảm estrogen sau mãn kinh, dẫn đến mất xương nhanh hơn.
Loãng xương thường không có triệu chứng. Phụ nữ trên 65 tuổi có thể thực hiện một số xét nghiệm đo mật độ xương. Người mắc viêm bệnh khớp dạng thấp, hút thuốc, nghiện rượu, chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp nên đo mật độ xương trước 65 tuổi.
Để xương chắc khỏe, có thể rèn luyện sức bền bằng cách đi bộ nhanh, chạy bộ. Chế độ ăn uống lành mạnh phòng ngừa loãng xương gồm thực phẩm giàu vitamin D như nước cam, ngũ cốc, sữa; canxi trong rau lá xanh đậm, sữa, cá hồi, cá mòi.
Bệnh do tăng cân, béo phì
Mãn kinh có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất nên phụ nữ dễ tăng mỡ, mất khối lượng mô nạc. Tăng mỡ ở vùng bụng nguy hiểm vì làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2. Phụ nữ có nhiều mỡ bụng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn dù cân nặng vẫn ở mức bình thường. Cắt giảm lượng calo có thể giúp nữ giới giảm cân sau mãn kinh. Một số cách khác như tập thể dục đều đặn, không ăn vặt.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nồng độ estrogen giảm khiến mô âm đạo mỏng, khô hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Phụ nữ trên 65 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn các lứa tuổi khác. Để phòng viêm nhiễm, phụ nữ nên đi tiểu ngay khi muốn, trước và sau khi quan hệ, lau từ trước ra sau, uống ít nhất 6-8 ly nước mỗi ngày, chọn đồ lót cotton thoáng khí, tránh quần bó sát.
Tiểu không tự chủ
Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ tiểu không tự chủ do căng thẳng; xảy ra khi ho, hắt hơi hoặc tập thể dục. Sau mãn kinh, nồng độ hormone giảm xuống khiến mô bàng quang mỏng, yếu đi. Các cơ xung quanh xương chậu mất đi sự săn chắc do lão hóa, ảnh hưởng đến kiểm soát đi tiểu.
Nên đi tiểu khi cần, thực hiện bài tập tác dụng lên cơ sàn chậu. Nếu tình trạng vẫn kéo dài, người bệnh cần khám chuyên khoa.
Bảo Bảo (Theo Everyday Health)
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh phụ khoa, sức khỏe mang thai và sinh lý phụ nữ tại đây để được bác sĩ giải đáp.