ThS.BS Võ Nhật Trường (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, vết bầm máu quanh rốn còn gọi là dấu hiệu Cullen. Tùy theo từng mức độ, vết bầm ở vị trí này có sự thay đổi về màu sắc. Vết bầm ở mức độ vừa phải có thể có màu vàng hoặc xanh lục, nghiêm trọng hơn có thể chuyển sang màu tím. Một số người bệnh còn đi kèm cảm giác đau và khó chịu ở vùng này.
Vết bầm máu xảy ra khi máu và/ hoặc các enzym tuyến tụy tích tụ tại các mô ngay bên dưới da. Ngoài vùng rốn, vết bầm máu còn có thể xuất hiện ở vùng hông lưng. Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng này.
Viêm tụy cấp
Tuyến tụy sản xuất các enzym tiêu hóa và kích thích tố để kiểm soát sự trao đổi chất. Khi các enzym tiêu hóa được kích hoạt ngay tại tụy trước khi được phóng thích vào ruột non, chúng sẽ phá hủy mô tụy, gây đau, xuất huyết nội và nang tụy. Nếu viêm tụy cấp tái diễn nhiều lần gây ra các tổn thương tuyến tụy và dẫn đến viêm tụy mạn tính. Các trường hợp cấp tính diễn tiến nhanh chóng và thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Bác sĩ Trường cho biết, trong trường hợp viêm tụy cấp, vết bầm tím quanh rốn có thể xuất hiện trong khoảng 24 đến 72 giờ sau khi bệnh khởi phát. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 37% trường hợp viêm tụy có xuất hiện dấu hiệu này, người bệnh sau đó tử vong.
Tổn thương tụy hoặc chấn thương bụng
Tổn thương tuyến tụy hoặc chấn thương vùng bụng do tai nạn có thể gây đau bụng, xuất huyết bên trong dẫn đến vết bầm máu quanh rốn.
Vỡ lách
Lách là cơ quan nằm dưới mạn sườn trái. Vỡ lách khiến máu tụ trong bụng, có thể gây ra vết bầm ở rốn, cần cấp cứu y tế.
Áp xe gan do amip
Entamoeba histolytica là một loại amip có thể lây nhiễm sang nhu mô gan, gây tụ mủ, áp xe gan. Loại nhiễm trùng này phổ biến hơn ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém và đông dân cư, có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe và xuất hiện dưới dạng vết bầm máu quanh rốn.
Thoát vị rốn nghẹt
Dây rốn kết nối mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Dây rốn được cắt sau khi sinh và tự lành để tạo thành rốn. Bác sĩ Trường cho biết, có khoảng 20% trường hợp cần nhiều thời gian hơn để tự lành hoặc không lành. Ở những trẻ này, tình trạng chảy máu vùng bụng có thể dẫn đến vết bầm máu quanh rốn.
Vết bầm tím quanh rốn còn có thể do các nguyên nhân như ung thư tế bào bạch cầu (ung thư hạch không Hodgkin), có thai ngoài tử cung, vỡ phình động mạch chủ bụng (gây đau dữ dội ở vùng bụng, thắt lưng), u nang buồng trứng (khi u nang phát triển lớn thì vết bầm máu quanh rốn có thể xuất hiện).
Người bệnh cần đi khám ngay khi thấy xuất hiện vết bầm máu quanh rốn hay các biểu hiện bất thường khác ở cơ thể. Sau thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp CT, siêu âm... Bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị bệnh cụ thể như hướng dẫn nhịn ăn, phẫu thuật nếu cần thiết.
Chang Chang